










Chi tiết tin
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, hiện nay sản phẩm của Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 1% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Anh. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho sản phẩm Việt Nam đi vào thị trường Anh. Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, cùng với việc ký kết Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), UKVFTA sẽ tạo cơ sở thương mại vững chắc và tính bổ sung lẫn nhau cho ngành dệt may Việt Nam.
Ảnh minh hoạ: vinatex.com.vn
Ngành dệt may Việt Nam thông qua việc nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản và Hàn Quốc để đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu và vẫn được hưởng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu hàng hóa sang Anh và EU. Đây là ưu thế mà nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á không có được. EU, Anh, Trung Quốc, Mỹ sẽ là những nước lớn xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới
Trong một diễn biến khác theo truyền thông Ấn Độ, Việt Nam và Ấn Độ nằm trong nhóm nền kinh tế đang phát triển nổi lên sau đại dịch. Đại dịch đã mang đến những sự chuyển biến cho một số nền kinh tế đang phát triển trong cách mạng kỹ thuật số, cải cách kinh tế và phục hồi giá cả hàng hóa. Công nghệ số, được ứng dụng ngày một nhiều, dù không tạo ra sự phát triển hai con số nhưng có thể tạo ra những biến chuyển nội địa đồng thời và bền vững tại các nền kinh tế đang nổi lên. Trung Quốc với nền kinh tế mới không tiền mặt là một ví dụ. Các công ty internet mới cũng đang tăng nhanh chóng từ Nga và Ba Lan tới Ác-hen-ti-na và Ke-ni-a.
Cải cách kinh tế là lựa chọn của nhiều quốc gia đang phát triển do thiếu các công cụ tài chính - tiêu dùng như các quốc gia phát triển. Trong một số trường hợp, cải cách tạo đà tăng trưởng sản lượng và thúc đẩy phát triển. Ấn Độ đang nới lỏng luật lao động và các quy định bảo hộ nông dân khỏi các áp lực thị trường. Indonesia cắt giảm thuế và thủ tục hành chính nhằm tạo đầu tư và việc làm. Brazil thúc đẩy các kể hoạch cắt giảm hệ thống lương hưu quá mức hào phóng. Ả-rập Xê-út rà soát luật nhập cư để mở rộng cạnh tranh thị trường lao động. Các chiến dịch tương tự cũng được Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và một số quốc gia khác thực hiện.
Về giá cả hàng hóa, không nhiều quốc gia có thể có lợi từ nền sản xuất xuất khẩu. Một số quốc gia như Brazil, Nga và Ả-rập Xê-út có thể có lợi khi giá cả hàng hóa được dự đoán sẽ tăng trở lại sau một thập kỉ giảm. Một số quốc gia như Việt Nam, Bangladesh, Ba Lan là số ít thắng lớn khi các công ty tìm đưa nhà máy ra khỏi Trung Quốc, tìm đến những nơi có nhân công rẻ và đường vận chuyển nguồn cung ngắn hơn../.
Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo