
























Nội dung bài viết
Một năm trước, đúng vào ngày 14/12/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên sâu về đối ngoại được tổ chức, nhằm đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Quyết tâm xây dựng và phát triển nền ngoại giao cây Tre Việt Nam vừa mang tính hiện đại, lẫn đặc sắc dân tộc”. Vậy nội hàm “Ngoại giao cây tre” là gì? Chủ đề này đã trở thành trọng tâm thu hút sự quan tâm rộng rãi của chính giới và các nhà nghiên cứu cả trong nước và quốc tế. Theo các chuyên gia nước ngoài, việc Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ “Ngoại giao cây tre” rõ ràng không đơn giản chỉ nhằm xây dựng cục diện ngoại giao mới hay tổng kết kinh nghiệm đối với xung đột Ucraina như một số học giả nhận định, đây là sự cân nhắc chiến lược đối với ngoại giao Việt Nam kể từ khi thành lập đất nước, đồng thời phát đi tín hiệu mạnh mẽ đối với trong và ngoài nước về đường lối đối ngoại Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đầy biến động hiện nay.
Là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77, cơ quan lớn nhất của LHQ, gồm đại diện của 193 nước trên thế giới, có thẩm quyền rộng khắp trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, Việt Nam hoạt động rất tích cực, thể hiện đầy đủ vị thế nổi bật của “Ngoại giao cây tre” trong chuỗi sự kiện diễn ra tại New York trong thời gian gần đây. Ngay tại Hội nghị công tác ngoại giao Việt Nam tháng 8/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên phong cách ngoại giao “độc đáo tựa cây trúc” trong thực tiễn ngoại giao. Phân tích về nội hàm “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam, các học giả quốc tế đưa ra các nhận định sau:
- Trước hết, về đối nội, nhấn mạnh quan niệm “phong cách cây tre” và “quy luật sinh tồn của tre”. Về quy luật sinh tồn, cây tre bắt rễ sâu dưới lòng đất, thể hiện ngoại giao Việt Nam luôn xuất phát từ lợi ích quốc gia; tre cũng có thể sinh tồn ở các loại hình thổ nhưỡng khác nhau, cho thấy ngoại giao Việt Nam cần thích ứng với nhiều kiểu môi trường và điều kiện phức tạp khác nhau; rễ cây tre mọc xum xuê, quấn vào nhau, phản ánh ngoại giao Việt Nam cần lấy đoàn kết nhất trí cao trong nội bộ làm tiền đề. “Thuyết rễ tre bắt sâu lòng đất” hàm ý dẫn dắt người dân nhận thức đúng về tôn chỉ cơ bản của ngoại giao Việt Nam, tránh những hiểu lầm về ngoại giao, thậm chí cả Đảng và chính quyền; “Thuyết thích ứng hoàn cảnh” là muốn giải thích cho người dân thấy ngoại giao Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều tình huống phức tạp, khó khăn. “Thuyết rễ tre quấn vào nhau” bày tỏ hy vọng người dân và chính quyền đoàn kết, chung sức thúc đẩy ngoại giao Việt Nam. Phong cách cây tre để chỉ những đặc điểm nổi bật của ngoại giao Việt Nam: vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng, biết nắm thời cơ, biết mình biết người, tùy cơ ứng biến, lấy nhu thắng cương…, hàm ý ngoại giao Việt Nam coi trọng sách lược, người dân cần tin tưởng và nhìn nhận ngoại giao Việt Nam từ góc độ tổng thể và lâu dài.
- Thứ hai, về đối ngoại, xây dựng “hình tượng cây tre” và thể hiện “tư thế cây tre”. Tháng 5/2016, trước khi “Ngoại giao cây tre” được đề xuất, trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Obama, cây tre được dùng để miêu tả tinh thần kiên cường của người Việt Nam, vì thế hình ảnh cây tre không còn xa lạ với người Mỹ. Tuy nhiên, ngoài tinh thần bất khuất, còn thể hiện sự uyển chuyển, khiêm nhường, linh hoạt như cây tre của ngoại giao Việt Nam. Về mặt khách quan, “hình tượng cây tre” giúp làm sâu sắc thiện chí của Mỹ và phương Tây đối với Việt Nam. Trong văn hóa Nho giáo, cây tre thường tượng trưng cho người quân tử coi trọng tôn nghiêm, khí phách. “Hình tượng cây tre” dường như muốn cho các nước liên quan thấy Việt Nam “đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, bền bỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, có đủ bản lĩnh và sự tự tin trước khó khăn”. “Tư thế cây tre” thể hiện lập trường và thái độ cơ bản của Việt Nam trong cạnh tranh nước lớn, đó là “bén rễ sâu” (dựa trên lợi ích quốc gia), “thân thẳng” (kiên trì luật pháp quốc tế, công bằng, chính nghĩa, không chọn bên mà chọn lẽ phải), đung đưa trong gió nhưng không ngả về bên nào, ở đây hàm ý muốn xóa tan nghi ngờ của một số nước. Đương nhiên, một tầng nghĩa khác chính là “bất luận là gió Đông hay gió Tây, cũng đừng quá mạnh, bởi Việt Nam tuy không ngả về bên nào, nhưng lại có thể nghiêng về một bên nếu buộc phải quyết định vì vận mệnh quốc gia – dân tộc”.
Sau khi phân tích về tín hiệu phát đi từ “Ngoại giao cây tre”, không khó để hiểu rõ về bối cảnh đề cao “Ngoại giao cây tre”. Kể từ sau Đổi mới mở cửa, kinh tế, xã hội Việt Nam phát triển nhanh chóng, đất nước bước vào thời kỳ phát triển và thịnh vượng hiếm thấy. Đồng thời, thế giới và khu vực cũng bắt đầu bước vào thời kỳ thay đổi chưa từng thấy. Sức ép an ninh đến từ sự phát triển của nước lớn, các bài toán nan giải từ cạnh tranh nước lớn, xung đột rủi ro đến từ mâu thuẫn giữa các bên trong vấn đề về biển… đều trở thành gánh nặng của ngoại giao Việt Nam. Để duy trì môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước trong thời đại thay đổi chưa từng thấy, Việt Nam cần dốc sức làm tốt công tác ngoại giao, đặc biệt là xử lý tốt quan hệ với các cường quốc. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, đặt ra nhiều yêu cầu ngày càng cao đối với ngoại giao Việt Nam, đồng thời ngày càng tự tin hơn trong giải quyết các xung đột lợi ích hiện nay với các nước, từ đó tạo sức ép lớn hơn cho công tác ngoại giao của Việt Nam, thậm chí dễ nảy sinh mâu thuẫn mới trong nước.
Đó cũng giải thích lý do giải thích chính sách “Ngoại giao cây tre” được phổ biến rộng rãi trong bối cảnh hiện nay nhằm mục đích chủ yếu là đưa ra một cách biểu đạt ôn hòa, lý tính, nhưng “trong nhu có cương” đối với người dân trong nước và các nước liên quan về các vấn đề quan trọng của ngoại giao Việt Nam (như vấn đề chính sách nước lớn), nhằm hóa giải những nghi ngờ của bên ngoài, thúc đẩy đoàn kết trong nước và thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước./.
Sở Ngoại vụ tổng hợp từ các báo