
























Nội dung bài viết
Vừa qua từ ngày 07 đến ngày 09 tháng 11 năm 2022, tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022 với nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc Việt Nam; tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi, phấn khởi, thể hiện tinh thần đoàn kết, thân thiện, mến khách của con người Tiền Giang.
Tiết mục văn nghệ khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp
lần thứ V, năm 2022 (Ảnh: Huỳnh Hương)
Làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) hiện có 07 căn nhà có tuổi thọ từ 150-250 năm tuổi; 22 căn nhà từ 80-100 năm tuổi đã được tỉnh công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh. Trong đó có 03 căn nhà phục vụ khách tham quan, du lịch thường xuyên. Ngoài ra, trên địa bàn xã Đông Hòa Hiệp còn có 02 ngôi chùa trên 150 năm tuổi, 01 ngôi đình 200 năm tuổi cũng được công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, mỗi ngày làng cổ Đông Hòa Hiệp đón trên 200 du khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.
Năm 2017, Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự đón nhận Bằng Di tích cấp Quốc gia và Bằng công nhận Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Được biết Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã trở thành sự kiện văn hóa - du lịch quan trọng của tỉnh, được tổ chức định kỳ 02 năm/lần nhằm bảo tồn và phát huy các kiến trúc văn hóa cổ xưa của các bậc tiền nhân để lại. Bên cạnh đó, nhờ có sự hỗ trợ tích cực của Tổng cục Du lịch cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), lựa chọn để đầu tư Dự án phát triển mô hình du lịch cộng đồng thông qua du lịch di sản tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã góp phần làm thay đổi cảnh quan một số địa điểm của nông thôn và tạo ra nét đặc trưng riêng của sản phẩm du lịch Tiền Giang...
Tối ngày 07/11/2022, tại Sân lễ Ủy ban nhân dân xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022. Đến tham dự lễ khai mạc về phía bạn Nhật Bản có ông SHIRAISHI Hideyuki - Trưởng Ban Văn hóa và Giáo dục Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM; ông MASUDA Chikahiro - Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức JICA Nhật Bản tại TP.HCM.
Về phía Trung ương có ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Đạt - Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP.HCM; TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng Cục Du lịch Việt Nam. Về phía tỉnh Tiền Giang có ông Võ Văn Bình - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đỗ Tấn Minh - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Thành Diệu - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội; ông Trần Văn Út - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cái Bè cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn; Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cùng đông đảo du khách và người dân địa phương.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp là một trong những lễ hội có quy mô lớn của tỉnh thu hút đông đảo khách tham quan du lịch trong và ngoài nước tham dự. Kết quả của những lần tổ chức trước đây cho thấy Lễ hội đã kết hợp tốt các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật, thể thao; đặc biệt Lễ hội có tính cộng đồng cao, mới lạ, hấp dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ, tạo điểm nhấn cho các hoạt động văn hóa, du lịch vùng phía tây của tỉnh Tiền Giang và trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển du lịch tiếp tục khẳng định sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương.
Thông qua các hoạt động sôi nổi như: tổ chức đoàn Famtrip; Hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả”; Diễu hành thuyền hoa; Hội thi “Ẩm thực du lịch”; Hội thi Làm bánh dân gian, với chủ đề “Hồn quê trong từng chiếc bánh”; thả đèn hoa đăng; triển lãm sinh vật cảnh; trưng bày các tác phẩm chưng mâm ngũ quả; không gian giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các địa phương; biểu diễn đờn ca tài tử; tái hiện nghi thức cúng đình xưa; các hoạt động thể dục, thể thao; các trò chơi dân gian... Lễ hội đã tiếp tục phát huy được giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn quan trọng trong công tác giới thiệu, quảng bá về hình ảnh văn hóa du lịch và các sản vật của địa phương đến với du khách. Trong 03 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút hơn 15.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn.
Đây cũng là dịp để người dân xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung được giao lưu, sinh hoạt, giải trí và quảng bá các sản phẩm văn hóa, đặc sản của vùng đất sông nước miệt vườn đến bạn bè, du khách gần xa. Qua đó, du khách có thể thấy được làng cổ Đông Hòa Hiệp là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà du khách không thể nào quên trong hành trình trải nghiệm ở vùng đất sông nước miệt vườn Cái Bè. Đồng thời, xác nhận du lịch là một tiềm năng, lợi thế của huyện Cái Bè trong mối liên kết, phát triển du lịch của địa phương với các tỉnh, thành trong khu vực; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà trong tương lai./.
Toàn cảnh hội thảo“Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả" do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức (Ảnh: Huỳnh Hương)
Ngọc Diễm tổng hợp