Truy cập nội dung luôn

Nội dung bài viết

Nhận dạng về “Các xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” và hành động của ĐBSCL
21/12/2022

Ngày 30/11/2022, tại thành phố Cần Thơ, Quỹ Hanns Seidel (HSF) - Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị khu vực ĐBSCL về “Các xu thế mới trong thương mại, đầu tư quốc tế - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”. Tham dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; VCCI - Chi nhánh Cần Thơ, các sở, ban, ngành 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL; các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước

 

Ảnh: sưu tầm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia ký kết và thực thi ngày càng nhiều FTA, mở ra các cơ hội cho chính quyền các tỉnh và các doanh nghiệp, nhưng cũng mang lại không ít khó khăn, thách thức. Hy vọng thông qua hội nghị này, các chuyên gia và các nhà khoa học sẽ thảo luận và đưa ra các nhóm giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Bích Thủy - Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế đa phương, Bộ Ngoại giao cho rằng xu thế phục hồi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy là vấn đề rất được nhiều quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam. Hội nghị được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn cho doanh nghiệp, địa phương ÐBSCL trao đổi về các xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu và tác động đến Việt Nam nói chung, ÐBSCL nói riêng, từ đó khuyến nghị các giải pháp đối phó với những thách thức. Ðây cũng là diễn đàn để chính quyền địa phương và doanh nghiệp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nắm bắt cơ hội, thích ứng với những thách thức nảy sinh từ xu thế mới.

TS Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng xu thế của các nước là thúc đẩy thương mại gắn với phát triển xanh, bền vững và thông minh, cũng như quá trình tái cơ cấu và dịch chuyển chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Theo ông, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm nhận thức, định vị được các lợi thế của mình, bắt kịp xu thế và tăng tính kết nối. “Tôi nghĩ ĐBSCL phải có khát vọng lớn hơn cái chúng ta đang có. Tham gia quá trình đàm phán với các nước, họ đều coi Việt Nam là một quốc gia hùng mạnh về nông nghiệp. ĐBSCL là vựa lúa và trái cây của cả nước, đó là chưa kể thế mạnh về sản xuất và chế biến thủy sản... Tôi rất mong ĐBSCL sẽ là một trong những vùng thực hiện tốt nhất chiến lược phát triển thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh”. Trả lời câu hỏi lý do cốt lõi ĐBSCL chưa phát triển như mong muốn, TS Thành cho rằng  “ĐBSCL đã chậm chân trong phát triển cơ sở hạ tầng, cả nước đã chậm nhưng ĐBSCL còn chậm hơn”; bên cạnh đó là việc “ĐBSCL khá loay hoay ở bài toán an ninh lương thực”. Ông Thành cho rằng quan tâm an ninh lương thực là đúng, nhưng đừng lo ngại quá. Cùng với đó là chậm chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu nên đã vuột mất nhiều cơ hội.

Ảnh: sưu tầm

Tham luận tại Hội nghị, ông Michael Siegner, Trưởng đại diện của HSF cho rằng, tại Việt Nam, các dự án của HSF tập trung vào nghiên cứu và vận động chính sách về an sinh xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hiện nay, xu hướng số hóa bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp kết nối con người và các nền kinh tế trên toàn thế giới, đã mang đến những cơ hội lớn để mở rộng thị trường, cũng như phát huy hiệu quả lao động. Những xu hướng này sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập nhanh chóng của  các ngành công nghiệp và công nghệ, tạo điều kiện các nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp.

Ảnh: LP​

Trả lời câu hỏi tại sao đến nay đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở khu vực ĐBSCL vẫn còn hạn chế, ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt am (AmCham) cho biết lý do chủ yếu là do cơ sở hạ tầng của khu vực còn nhiều yếu kém. Liên quan đến các lĩnh vực quan tâm nhất của các doanh nghiệp Mỹ, ông cho rằng đó là năng lượng xanh (gió, mặt trời), các dự án về sản xuất, chế biến nông - thủy sản và cả các dự án về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL. Ông mong rằng ĐBSCL nên tổ chức thêm những hội nghị để AmCham có dịp tham gia nhiều hơn và tăng cường kết nối với các tỉnh, thành. Trong năm 2023, AmCham dự kiến sẽ tổ chức hội thảo về đầu tư với các lãnh đạo ĐBSCL để xem dự án nào cần đầu tư và dòng vốn ra sao. Hy vọng qua đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào khu vực này./.

 Ngọc Dung

Liên kết Liên kết