
























Nội dung bài viết
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Thường trực Tỉnh ủy và trên cơ sở Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022, trong quý II và III năm 2022, Sở Ngoại vụ đã tổ chức 06 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế (HNQT) cho cán bộ lãnh đạo cấp xã trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công, Thị xã Cai Lậy và Thành phố Mỹ Tho. Báo cáo viên chính là các đồng chí trong Ban Giám đốc và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Sở Ngoại vụ theo từng chuyên đề cụ thể.
Xác định công tác bồi dưỡng kiến thức đối ngoại và HNQT cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là hết sức cần thiết trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, nên thời gian qua, hàng năm Sở Ngoại vụ đã chủ động tham mưu UBND tỉnh đăng ký Bộ Ngoại giao tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về đối ngoại và HNQT theo từng chủ đề khác nhau cho cán bộ tỉnh và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL theo cụm thi đua. Ngoài ra, căn cứ vào khả năng và nguồn lực hiện có, Sở Ngoại vụ đã đề xuất UBND tỉnh thông qua Sở Nội vụ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức đối ngoại và HNQT cho cán bộ, công chức lãnh đạo cấp xã vừa mới nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong 02 năm qua do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác đào tạo, bồi dưỡng đã bị ngưng trệ, do vậy bước vào năm 2022, khi tình hình dịch bệnh đã được khống chế và hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội được khôi phục trở lại nên đây là thời điểm thích hợp để Sở Ngoại vụ tổ chức các lớp tập huấn như mục tiêu đề ra.
Để các lớp bồi dưỡng được thực hiện hiệu quả, chất lượng, ngay từ giữa năm 2021, Sở Ngoại vụ đã phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí trong năm 2022 cho Sở để tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng nêu trên. Đồng thời, Sở Ngoại vụ cũng đã có Công văn số 284/SNgV-VP ngày 22/02/2022 gửi đến UBND các huyện, thành phố, thị xã: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công, Thị xã Cai Lậy và Thành phố Mỹ Tho để phối hợp tổ chức theo kế hoạch đề ra, đảm bảo thiết thực và gắn với công việc thực tế ở cơ sở.
Về thành phần tham dự tập huấn bao gồm: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Nội dung tập huấn bao gồm các nhóm kiến thức và kỹ năng: (1) Quy định về việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tiền Giang; (2) Hướng dẫn thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông; (3) Kỹ năng giao tiếp và nghiệp vụ lễ tân trong tiếp khách quốc tế; (4) Chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
Theo kết quả tổng hợp, Sở Ngoại vụ đã tổ chức hoàn tất 06/06 lớp bồi dưỡng với 386 lượt cán bộ tham gia, đạt 100% kế hoạch đặt ra. Qua phản ánh, các học viên đều đánh giá tích cực về các nội dung được tập huấn vì sát với thực tế và cần thiết cho hoạt động đối ngoại và HNQT ở cấp cơ sở. Ngoài việc hiểu rõ các quy định về thủ tục cấp hộ chiếu, chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, công tác lễ tân..., các học viên còn nắm bắt được các nghi thức cơ bản về lễ tân đối ngoại, giao tiếp với khách nước ngoài.
Có được những kết quả tích cực như nêu trên là do Sở Ngoại vụ đã chủ động chuẩn bị từ sớm và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng, hoàn thành sớm so với kế hoạch, đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng đề ra; nội dung, chương trình bồi dưỡng phù hợp; đối tượng được cử đi bồi dưỡng được mở rộng đến công chức lãnh đạo các xã, phường, thị trấn nên góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đối ngoại và HNQT của chính quyền cơ sở. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng nêu trên đã góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Trong xu thế cả nước đang tăng cường mở rộng các quan hệ đối ngoại và theo dòng chảy toàn cầu hóa, các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng được triển khai sâu rộng đến cấp địa phương. Do đó, việc trang bị kiến thức và các kỹ năng về đối ngoại và HNQT cho các cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn là hoạt động thiết thực để hỗ trợ cho công tác chỉ đạo về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Trung ương và địa phương luôn chủ động, thông suốt, hiệu quả, chuyên nghiệp và đúng pháp luật./.
Văn phòng Sở tổng hợp