Truy cập nội dung luôn

Nội dung bài viết

Tiền Giang hoàn thành vượt mức kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
21/12/2022

Năm 2022, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang đã dần lấy lại đà tăng trưởng. Nhờ chủ động và tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua có nhiều khởi sắc và hoàn thành hầu như toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Theo số liệu tổng hợp từ các cơ quan chức năng của tỉnh, kết quả thực hiện các lĩnh vực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022
như sau:

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X. (Ảnh: Sưu tầm)

- Tăng trưởng kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng 7,02% (kế hoạch đề ra tăng 6-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,51% (kế hoạch tăng 3-4%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,8% (kế hoạch tăng 9,4-10,8%); khu vực dịch vụ tăng 7,8% (kế hoạch tăng 6,4-7%). Tổng GRDP (giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 110.777 tỷ đồng (~4,82 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người đạt 63,1 triệu đồng (kế hoạch 60,2 triệu đồng), tăng 6,9 triệu đồng so năm 2021. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 37,4%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,8%; khu vực dịch vụ 34,8%, tương đương so cùng kỳ.

- Về nông nghiệp và thủy sản: Sản lượng lương thực ước cả năm khoảng 850,6 ngàn tấn, vượt 11% kế hoạch năm; sản lượng rau, màu các loại hơn 1,2 triệu tấn và sản lượng cây ăn quả khoảng 1,89 triệu tấn, vượt 2% kế hoạch năm. Đến cuối tháng 12/2022, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 123,5 ngàn con, vượt 2,3% so kế hoạch; đàn lợn 298 ngàn con, vượt 1,4%; và đàn gia cầm 17,2 triệu con, vượt 2,4% kế hoạch năm. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch trong năm khoảng 361,9 ngàn tấn, đạt 126% kế hoạch năm.

Về xây dựng nông thôn mới, theo lộ trình, đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 136/142 xã, chiếm 95,8%; có 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế đạt 37/142 xã; và huyện Cai Lậy đạt chuẩn huyện nông thôn mới, nâng tổng số có 4/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 03 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về phát triển các sản phẩm OCOP, trong năm có thêm 21 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận, trong đó 06 sản phẩm đạt 04 sao và 15 sản phẩm đạt 03 sao. Lũy kế, toàn tỉnh hiện có 119 sản phẩm đạt OCOP; trong đó, có 75 sản phẩm 04 sao và 44 sản phẩm 03 sao.

- Về công nghiệp - xây dựng: Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng ước cả năm 2022 đạt khoảng 18 nghìn tỷ đồng (~782,61 triệu USD), tăng 11,5% so cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp tăng 11,7%, ngành xây dựng tăng 10,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 dự kiến tăng 12% so cùng kỳ, chủ yếu ở các ngành sản xuất chế biến thực phẩm, dệt may, da giày; có 29/43 sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng và 14/43 sản phẩm có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ. Về tình hình hoạt động các Khu, Cụm Công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh, trong năm qua, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.415 tỷ đồng (~235,43 triệu USD), đạt 290% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp trong các KCN, CCN tiếp tục hoạt động ổn định. Chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN tiếp tục hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và các thủ tục về đất đai để triển khai dự án và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp; và đã có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu tình hình thực tế liên quan giá thuê đất, các tiện ích về hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung lao động tại địa phương, mạng lưới giao thông và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh.

- Về hoạt động thương mại - du lịch: Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trong năm thực hiện 75.400 tỷ đồng (~3,278 tỷ USD), đạt 106,2% kế hoạch. Tổng số khách du lịch đến tỉnh trong năm đạt 870 ngàn lượt, đạt 97% so kế hoạch; trong đó, khách quốc tế đạt 70 ngàn lượt, đạt 70% so kế hoạch.

- Về xuất - nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 3,6 tỷ USD, đạt 107,5% kế hoạch năm. Trong đó, có các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao như: kim loại thường; may mặc. Về thị trường, Mỹ, Trung Quốc, EU, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... chiếm tỷ trọng cao nhất; Về rau quả, chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Australia, Hồng Kông,... Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa  ước thực hiện 2,1 tỷ USD, đạt 110,5% kế hoạch năm. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: nguyên liệu đồng; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; chất dẻo nguyên liệu...

- Về thu, chi ngân sách: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh dự kiến khoảng 10.665 tỷ đồng (~463,7 triệu USD), đạt 120,8% dự toán. Tổng chi ngân sách 17.910 tỷ đồng (~778,7 triệu USD), đạt 145,8% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển  5.071  tỷ đồng (~220,48 triệu USD), đạt 128,7% dự toán.

- Về phát triển doanh nghiệp (DN): Trong năm, dự kiến có khoảng 920 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 6.810 tỷ đồng (~296 triệu USD), vượt 37,3% kế hoạch năm. Tính đến cuối tháng 12/2022, toàn tỉnh có khoảng 6.100 doanh nghiệp và trên 67.869 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.

- Về thu hút đầu tư: Trong năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện đạt 41.843 tỷ đồng (~1,82 tỷ USD), đạt 100,2% kế hoạch. Về thu hút đầu tư, toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 16.343 tỷ đồng (~710,57 triệu USD), gấp 3,07 lần so với năm 2021. Trong đó, có 9 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 10.401 tỷ đồng, tăng gấp 9,1 lần so với năm 2021 và 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 919 tỷ đồng, tăng gấp 15,9 lần so với năm 2021; có 5 dự án đăng ký tăng vốn 5.024,4 tỷ đồng (~218,43 triệu USD), tăng 22% so với năm 2021.

- Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh trong năm qua diễn ra thiết thực, hiệu quả, lành mạnh và an toàn. Ngành văn hóa tổ chức thành công Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh lần thứ IX năm 2022, Lễ hội Văn hóa - Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V và Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ấp Bắc. Ngành giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học 2021 - 2022 và đạt nhiều kết quả tích cực; tổ chức thành công Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 trên toàn tỉnh. Tiếp tục ổn định và nâng cao chất lượng dạy và học ở các ngành học, bậc học. 

- Ngành y tế tiếp tục tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác; công tác khám, chữa bệnh luôn được chú trọng. Ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt: 24; Bác sĩ/vạn dân: 7,4; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi <10,9‰; và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng <12,4%.

- Về lao động - việc làm: Các cấp chính quyền đã quan tâm, giải quyết kịp thời và đúng qui định các chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Ước tính năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 16.000 lao động (đạt 133% kế hoạch năm); trong đó khoảng 9.000 lao động được tạo việc làm thông qua chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, 7.000 lao động được tạo việc làm thông qua chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Đến cuối năm dự kiến có khoảng 400 lao động được xuất cảnh, đạt 200% kế hoạch năm.

- Công tác ngoại vụ: Công tác quản lý nhà nước về đoàn ra, đoàn vào được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng theo định hướng, chủ trương của Trung ương và công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Số lượng các đoàn nước ngoài đến tỉnh hoạt động tăng mạnh. Công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, ngư dân, thông tin đối ngoại,... được thực hiện kịp thời, chặt chẽ và có nhiều đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp nhận 03 khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị khoảng 6,1 tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả như nêu trên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo ổn định, không có các vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo vệ và khai thác tài nguyên và môi trường, công tác tư pháp, thanh tra, cải cách hành chính, nội vụ,... diễn ra theo kế hoạch và tiếp tục đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Thi công cống ngăn mặn Phú Phong. (Ảnh: Sưu tầm)

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến phức tạp, tác động từ cuộc chiến Nga - Ucraina lên giá cả một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu tăng cao trên thị trường thế giới, cung ứng toàn cầu bị đứt gãy,... nhưng nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đảm bảo ổn định và có nhiều điểm sáng trong năm 2022. Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và các kết quả tích cực từ tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kỳ vọng năm 2023, kinh tế Tiền Giang sẽ có bước đột phá, tạo đà thuận lợi cho các năm tiếp theo./.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Tiền Giang

Liên kết Liên kết