Truy cập nội dung luôn

Nội dung bài viết

Tỉnh Tiền Giang đạt nhiều bước tiến quan trọng về chuyển đổi số
06/12/2022

Chuyển đổi số được xác định vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên được các cấp lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm. Tính đến nay, tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), trong đó tập trung vào hoạt động hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số, nền tảng số.

 

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Tiền Giang đã và đang phát huy hiệu quả cao trong xu hướng chuyển đổi số của tỉnh. (Ảnh: sưu tầm)

Về chính quyền số

Tỉnh Tiền Giang đang từng bước hoàn thiện chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Từ năm 2019, tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Tập đoàn VNPT triển khai xây dựng thí điểm Chính quyền số Tiền Giang. Với nền tảng mở cho phép chính quyền số có thể kết nối với các ứng dụng của bên thứ ba một cách dễ dàng hình thành nên một hệ sinh thái mở. Cổng Dịch vụ công tỉnh triển khai theo hướng tập trung, kết nối và liên thông, đã hoàn thành kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp với 648 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp.

Tỉnh đã thực hiện nâng cấp các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu một số ngành như: Hệ thống kết nối thông tin nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống, thí điểm quan trắc môi trường, độ mặn, nông nghiệp... phục vụ nhu cầu thông tin người dân và doanh nghiệp; đồng thời, tích hợp, liên thông dữ liệu ngành Giáo dục và đào tạo, ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Tiền Giang (LGSP) tiếp tục được phát triển và khai thác có hiệu quả để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước.

Về kinh tế số

Tỉnh Tiền Giang thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, hỗ trợ rộng rãi ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng. Trong những năm gần đây, kinh tế số của tỉnh đã đạt được những bước tiến mới. Theo báo cáo đánh giá DTI năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tiền Giang xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố về chỉ số kinh tế số (đạt 0,4856) cao hơn so với trung bình chung cả nước. Với những kết quả đạt được, giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2021 chiếm 8,59% GRDP của tỉnh. Tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang (TienGiang Trade). Theo thống kê từ Cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết quý III-2022 Tiền Giang có 212.336 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với 1.317 loại sản phẩm và 11.076 lượt giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, Khu Công viên phần mềm Mekong (Mekong ITP) đã đi vào hoạt động. Mekong ITP có diện tích gần 7 ha và hơn 20.000 m2 sàn đã xây dựng. Hiện nay, có 4 công ty mở chi nhánh, thu hút hơn 100 lao động công nghệ thông tin (CNTT), cùng hơn 200 kỹ sư CNTT của VNPT đang làm việc tại đây tạo nên một cộng đồng, môi trường làm việc năng động, sáng tạo và thu hút nhân lực CNTT. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh đến năm 2025 và đạt 25% GRDP đến năm 2030; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% đến năm 2025 và đạt 15% đến năm 2030; năng suất lao động tăng bình quân hàng năm trên 7%, đến năm 2025 và đạt 8% đến năm 2030; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50% đến năm 2025 và đạt trên 80% đến năm 2030.

Về xã hội số

Tỉnh Tiền Giang thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo đại trà trực tuyến; hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân, hình thành công dân số, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số. Đến nay, tỉnh đã vận hành thông suốt hệ thống tiếp nhận phản ánh kiến nghị từ người dân, doanh nghiệp thông qua Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công 1022 Tiền Giang. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nền tảng công dân số (ứng dụng TienGiangS) nhằm giúp cho việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức được kịp thời, hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng đến Chính quyền số, với mục tiêu “lấy người dân làm trung tâm”. Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh thực hiện giám sát trên 200 camera, trong đó trên 80 camera thông minh; giám sát hệ thống phòng, chống mã độc tập trung của tỉnh; phối hợp chia sẻ thông tin với Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho và Công an TP. Mỹ Tho thí điểm xử phạt các hành vi vi phạm giao thông, vi phạm vệ sinh, trật tự đô thị.

Tỉnh cũng đã thành lập 1.250 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ); với 8.014 thành viên tham gia tổ CNSCĐ ở cấp xã/phường. Đây là lực lượng quan trọng, mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn...

Những khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số

Trong giai đoạn đầu thực hiện chuyển đổi số có nhiều khó khăn, thách thức. Chuyển đổi số liên quan đến thay đổi thói quen, cách làm của các thành viên liên quan nên cũng đặt ra nhiều thách thức. Ngành công nghiệp CNTT của tỉnh chưa phát triển; tình hình ứng dụng CNTT của doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế; số doanh nghiệp CNTT phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu rõ và sử dụng về công nghệ số, các dịch vụ chính quyền số còn thấp; nguồn nhân lực CNTT và truyền thông chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu.

Con người là chủ thể và có vai trò quyết định trong thực hiện chuyển đổi số.

Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện và con người là yếu tố quyết định sự thành công. Do đó, bên cạnh hoàn thiện hạ tầng và công nghệ, tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm đến nguồn “nhân lực số”, cùng với việc hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người dân để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và trong các doanh nghiệp nhà nước.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, vừa cấp bách vừa lâu dài do đó đòi hỏi sự chủ động và tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân. Sự đồng hành của chính quyền và nhân dân sẽ là động lực quan trọng tạo nên những bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số. Bởi lẽ chuyển đổi số được xác định phải hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân là trung tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền cần chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn; thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số là sự trang bị cần thiết để doanh nghiệp phát triển trong kỷ nguyên số, kinh tế số. Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ hệ thống thông tin các ngành, đưa hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân lên môi trường số là cần thiết trong quá trình chuyển đổi số./.

K.D

Liên kết Liên kết