
























Chiến lược, định hướng, QHoạch
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về xây dựng Kế hoạch – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020: thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong các năm 2016, 2017 và 2018, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tạo nền tảng cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 và các năm tiếp theo. Bên cạnh một số khó khăn còn tồn tại, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều đạt mục tiêu đề ra. Qua đó thể hiện rõ tinh thần, sự quyết tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững hơn. Tuy nhiên, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2020 khá nặng nề vì đây là năm cuối thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ X Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2015-2020 và cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Do đó, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và để định hướng cho các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đạt được các mục tiêu phát triển – kinh tế xã hội trong năm 2020, ngày 12/7/2019 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
|
Theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020 của tỉnh Tiền Giang là cùng cả nước thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cấu trúc ngành công nghiệp, phát triển mạnh đô thị, thương mại, dịch vụ gắn với thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính quyền số và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm của tỉnh; đổi mới đồng bộ giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7,0-8,0%. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Thực hiện chủ trương xây dựng bộ máy tinh gọn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng, và tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển.
Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang định hướng và chỉ đạo thực hiện 08 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020. Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ, kết hợp hài hòa triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách tiền tệ, đầu tư, thương mại, giá cả và các chính sách khác. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính và khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển. Thứ ba, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kịp thời, ứng phó, khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ. Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ sáu, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo xây dựng dự toán theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát tình hình thu ngân sách nhà nước các năm 2016-2018 và ước thực hiện năm 2019, phù hợp với các mục tiêu tái cơ cấu lại ngân sách giai đoạn 2016-2020; đồng thời phân tích, dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế của địa phương, đặc biệt là những nhân tố tác động làm thay đổi tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư, phát triển của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2020. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ huy động nguồn thu ngân sách từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước năm 2020 đạt khoảng 11-12% GRDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp) năm 2020 bình quân chung tăng tối thiểu 10-12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019. Việc bố trí vốn kế hoạch chi đầu tư phát triển có những điểm chú ý: bố trí đủ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản còn lại chưa thanh toán, vốn cho 02 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, vốn cho các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2020; đầu tư cho các công trình trọng điểm có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tạo tiền đề tiếp tục phát triển cho những năm tiếp theo; ưu tiên bố trí vốn thu hồi vốn ứng trước, đầu tư cho các chương trình mục tiêu đã được phê duyệt nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai; các dự án, công trình y tế, giáo dục, các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển; các dự án quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo; không bố trí vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân.
Đối với Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước các năm 2020-2022, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và chương trình quản lý nợ 03 năm (2020-2022) cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị dự toán cấp I ở cấp tỉnh lập Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (2020-2022) thuộc phạm vi quản lý gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, các địa phương xây dựng cụ thể các chỉ tiêu dự báo trung hạn 3 năm (2020-2022) về thu ngân sách; dự kiến tổng chi ngân sách địa phương, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên phần cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2020-2022 phù hợp với khả năng cân đối thu.
Đồng thời, kế hoạch đầu tư công năm 2020 phải được xây dựng theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định: số 77/2015/NĐ-CP, số 136/2015/NĐ-CP và số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (nếu có) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Cột mốc để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đang tiến đến cận kề và sứ mệnh của năm 2020 cũng nặng nề hơn. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh phải tiếp tục duy trì sự tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất; triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo. Đồng thời, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có sự dự báo và ứng phó kịp thời trước tình hình mới phát sinh. Hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra không phải thể hiện ở việc đạt được các con số ước lệ mà thể hiện ở chất lượng của sự phát triển. Bởi vì suy cho cùng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Do đó, kế hoạch và giải pháp thực hiện cụ thể của từng sở, ngành, địa phương đề ra cần phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống của người dân và vì nhân dân.
K.D