
























Hội nghị, hội thảo quốc tế
HỘI THẢO HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP GIỮA ẤN ĐỘ VÀ CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 28/11/2017, UBND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức Hội thảo Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh ĐBSCL. Tham dự Hội thảo, về phía Ấn Độ có Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; Ông K. Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM; Ông D.K. Singh, Chủ Tịch Cơ quan phát triển xuất khẩu thực phẩm chế biến và sản phẩm nông nghiệp (APEDA) cùng lãnh đạo các Cục trực thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ và các doanh nghiệp Ấn Độ. Về phía Việt Nam, Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Quốc Doanh, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Cần Thơ; ông Đỗ Hữu Huy, Vụ Phó Vụ Thị Trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ngành của các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hồng Vân)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê văn Hưởng chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh việc UBND tỉnh Tiền Giang cùng phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo nhằm mục đích cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong phát triển bền vững Vùng ĐBSCL và thực hiện mong muốn của Thủ tướng Ấn Độ sau Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippines. Mặt khác, thông qua Hội thảo này, Tiền Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các địa phương trong Vùng và các đối tác Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và thủy sản.
Phiên toàn thể thứ I của Hội thảo (Ảnh: Hồng Vân)
Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng thông tin về các tiềm năng hợp tác nông nghiệp với Ấn Độ. Trong đó nhấn mạnh các cơ hội hợp tác như: xuất khẩu rau và trái cây sang Ấn Độ (hiện Ấn Độ nhập khẩu khoảng 4,3 tỷ USD rau và hơn 3 tỷ USD trái cây và các loại hạt trong năm 2016 – 2017, trong đó tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam còn nhỏ); chuyển giao mô hình trồng trọt do nông nghiệp giữa hai quốc gia có nhiều nét tương đồng; hợp tác trong công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch;… Đồng thời, Ngài Đại sứ cũng đề xuất thành lập nhóm công tác về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam - Ấn Độ và giải quyết các rào cản kiểm dịch thực vật và phi thuế quan đối với nông nghiệp của hai nước.
Đại diện các lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Hồng Vân)
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã có những đánh giá thiết thực về thực trạng phát triển nông nghiệp – thủy sản, cơ hội hợp tác của Vùng ĐBSCL. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cũng tham gia giới thiệu về các sản phẩm và trình bày nhu cầu hợp tác mà các doanh nghiệp đang quan tâm.
Tại phiên đối thoại chính sách, các cơ quan, doanh nghiệp Ấn Độ có điều kiện tìm hiểu sâu thêm thông tin về các điều kiện cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi đầu tư của các tỉnh, thành Vùng ĐBSCL. Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp trong nước cũng được phía bạn thông tin thêm về các chính sách thuế quan, hàng rào kỹ thuật, điều kiện ưu đãi đầu tư, dịch vụ logistics, các đối tác xuất nhập khẩu hàng hóa - dịch vụ tiềm năng… phục vụ cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa sang Ấn Độ và ngược lại.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, Ban Tổ chức cũng bố trí một không gian triển lãm giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư… và một bàn tiếp xúc doanh nghiệp của mỗi tỉnh, thành trong Vùng.
Hoạt động tại gian hàng trái cây của tỉnh Tiền Giang
Vùng ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng thời cũng là vùng trọng điểm sản xuất rau quả và nuôi trồng - khai thác - chế biến thủy hải sản. Hàng năm, khu vực này đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Vì vậy, có thể nói Vùng ĐBSCL đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Hội thảo là bước đi đầu tiên trong việc xúc tiến hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh, thành của Vùng ĐBSCL. Tin rằng thời gian tới, với sự lãnh đạo, quan tâm của Chính phủ hai nước, quan hệ hợp tác giữa Vùng ĐBSCL và Ấn Độ sẽ có thêm những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương nói riêng và quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia nói chung./.
(Hồng Gấm) |