
























Hoạt động đối ngoại chung
Hoạt động đối ngoại chung
Chính sách đối ngoại Việt Nam sẽ toàn diện và hiện đại hơn để đạt mục tiêu phát triển như đã nêu tại Đại hội lần thứ XIII
Giáo sư Vu Hướng Đông, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Viện Mác, Đại học Trịnh Châu, trong bài viết trên Tạp chí Tri thức Thế giới kỳ 4/2021 đánh giá về mục tiêu phát triển và chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trước hết là các mục tiêu phát triển. Giáo sư Vu Hướng Đông chỉ rõ mục tiêu phát triển trung và dài hạn mà Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra là xoay quanh mốc thời gian "100 năm" thành lập Đảng và thành lập nước, được xác định dựa trên diễn biến và tình hình của Việt Nam, bao gồm tình hình phát triển kinh tế, sự vận động thay đổi của các mâu thuẫn cơ bản trong xã hội; là sự theo đuổi chủ động các lợi ích của nhân dân Việt Nam mà Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện; là sự lựa chọn chủ động của Việt Nam với hy vọng đất nước trở nên giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn; là biểu hiện của ý chí dân tộc và ý thức dân tộc về phát triển hiện đại hóa của Việt Nam.
Về đối ngoại, chiến lược ngoại giao của Việt Nam sẽ toàn diện, vĩ mô hơn, tích cực xây dựng một khuôn khổ ngoại giao tổng thể mới; các biện pháp ngoại giao sẽ chủ động hơn và chú trọng hơn đến việc phát huy vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và ASEAN, nhằm gia tăng ảnh hưởng; ngoại giao Việt Nam sẽ chú trọng hơn quan hệ lợi ích, duy trì và thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương thông qua việc xây dựng lợi ích chung.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: VGP
- Thứ nhất, cùng với đà phát triển tốt đẹp của đất nước, ngoại giao Việt Nam sẽ nỗ lực tạo dựng một môi trường bên ngoài thuận lợi để "sánh vai với các cường quốc năm châu" trong tương lai. Những năm qua, ngoại giao Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia và khu vực, thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia. Sau Đại hội Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngoại giao Việt Nam sẽ tích cực và chủ động hơn, tạo điều kiện và môi trường bên ngoài thuận lợi để Việt Nam "sánh vai" với các cường quốc trên thế giới.
- Thứ hai là trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển đất nước, Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn đến cấu trúc vĩ mô và nỗ lực hơn nữa để xây dựng một nền ngoại giao tổng thể "ba trong một". Những năm gần đây, Việt Nam đã đề xuất xây dựng "ba trụ cột" là ngoại giao an ninh chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, để bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định cần tiếp tục xây dựng "ba trụ cột mới" là ngoại giao kênh Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Dự kiến, sau Đại hội, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống ngoại giao toàn diện và hiện đại hơn, chú trọng hơn tính tổng thể, phối hợp và sáng tạo của ngoại giao, nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao.
- Thứ ba kiên trì định hướng lớn là đổi mới và mở cửa, tiếp tục thực hiện chiến lược "hội nhập quốc tế", tham gia tích cực hơn nữa vào tiến trình bảo vệ toàn cầu hóa. Việt Nam chủ động thích ứng với những thay đổi của tình hình quốc tế và khu vực, tận dụng cơ hội toàn cầu hóa, chủ động đẩy mạnh chiến lược "hội nhập quốc tế", tích cực tham gia đàm phán TPP và CPTPP; đồng thời duy trì, phát triển quan hệ chặt chẽ với các nước ASEAN khác và Liên minh Châu Âu, ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh Châu Âu nhằm hội nhập sâu rộng vào chuỗi ngành nghề và chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam được hưởng quy chế thương mại tối huệ quốc tại 60 nền kinh tế, tham gia 13 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. RCEP được ký kết cách đây không lâu sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho giao lưu và hợp tác đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội 13.
- Thứ tư là lấy lợi ích làm nền tảng của ngoại giao, ngoại giao Việt Nam sẽ quan tâm hơn đến quan hệ lợi ích, thông qua quan hệ lợi ích để thúc đẩy quan hệ đa phương và song phương. Việt Nam sẽ tham gia tích cực hơn vào việc xây dựng luật chơi toàn cầu và khu vực, tăng cường hợp tác với ASEAN, Liên hợp quốc, APEC và Tổ chức Hợp tác lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là tìm cách đóng vai trò lớn hơn trong cơ chế ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường với trọng điểm là hợp tác kinh tế - thương mại và hợp tác an ninh trên biển, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ hoạt động "Tự do an toàn hàng hải và hàng không" (FONOP) của Mỹ, nhưng sẽ rất khó để hai nước có thể hình thành một liên minh trong tương lai gần.
- Thứ năm là trên cơ sở nhấn mạnh tăng cường toàn diện sự lãnh đạo của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác ngoại giao sẽ được tăng cường hơn nữa. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vai trò lãnh đạo và kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng được tăng cường, trở thành xu thế chính trong phát triển chính trị của Việt Nam những năm gần đây. Chính sách ngoại giao của Việt Nam sẽ chú trọng nhiều hơn đến sự điều phối thống nhất vĩ mô của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của nhà nước trong các hoạt động đối ngoại./.
Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo