
























Hoạt động đối ngoại chung
Hoạt động đối ngoại chung
Ngoại giao Việt Nam trong khát vọng phát triển đất nước
Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao. Nguồn: baochinhphu.vn
Mới đây, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết phân tích về ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới của tác giả Tư Trấn Đào, học giả nghiên cứu về vấn đề Việt Nam, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Đông Nam Á Trung Quốc. Bài viết có một số nội dung chính sau:
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc tại Hà Nội vào ngày 1/2. Đại hội đã bầu ra ban lãnh đạo mới, xác định "giấc mơ phát triển đất nước" - Việt Nam gọi là "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, sẽ có những thay đổi mới và tình hình mới trên mọi mặt, công tác ngoại giao cũng như vậy. Đánh giá từ nội dung các văn kiện chính trị của Đại hội và các nhận xét, giải thích của các đại biểu Hội nghị, học giả Việt Nam, có thể thấy ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới có một số điểm đáng chú ý sau:
- Một là, hỗ trợ "giấc mơ phát triển đất nước" là nhiệm vụ cốt lõi. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13, Việt Nam sẽ thực hiện khát vọng phát triển đất nước theo "3 bước" và "hoàn thành 2 mục tiêu 100 năm", cụ thể: Bước thứ nhất, đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Bước thứ hai, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Bước thứ ba, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được các mục tiêu trên, cần phải đảm bảo mức độ ổn định cao, kinh tế phát triển nhanh và xã hội tiến bộ toàn diện. Các chính sách và chiến lược đối ngoại của Việt Nam sẽ được xây dựng quanh mục tiêu trọng tâm này. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực duy trì môi trường hòa bình xung quanh, tăng cường hợp tác với các nền kinh tế lớn, "chủ động, toàn diện và linh hoạt" hội nhập quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể cho phát triển của Việt Nam.
- Hai là, bảo đảm hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh và xung đột là mục tiêu quan trọng. Đại hội Đảng lần thứ 13 cho rằng, về tổng thể hòa bình vẫn là xu thế lớn song tình hình thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng trở nên phức tạp và gay gắt; khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa các nước lớn, tình hình trên biển căng thẳng và phức tạp. Nếu không xử lý tốt những vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước. Do vậy, Đại hội Đảng lần thứ 13 nhấn mạnh công tác ngoại giao cần "xây dựng và duy trì" môi trường xung quanh hòa bình và ổn định, cần "chuyển mạnh sang chủ động phòng ngừa là chính", "ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa". Đối với vấn đề lãnh thổ và biển đảo mà Việt Nam quan tâm nhất, nhạy cảm nhất, mặc dù phía Việt Nam cho biết sẽ "kiên quyết bảo vệ" nhưng cũng nhấn mạnh cần phải "kiên quyết và kiên trì đấu tranh" ở cấp độ ngoại giao và luật pháp quốc tế, đồng thời "kiên quyết tránh xung đột". Có thể thấy, Việt Nam trong thời gian tới sẽ có các hành động mãnh mẽ hơn trên phương diện ngoại giao, pháp lý và dư luận quốc tế, nhưng vẫn thận trọng trong các hành động cụ thể, không dễ dàng mạo hiểm.
- Ba là, xây dựng một hệ thống ngoại giao có lợi là một trọng tâm mới. Cụ thể là thông qua ASEAN, thúc đẩy ngoại giao đa phương, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chính trị và kinh tế quốc tế. Trong tương lai, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc thúc đẩy năng lực hành động chung của ASEAN, thúc đẩy sự tham gia sâu hơn của ASEAN vào các vấn đề khu vực và "cuộc chơi" giữa các nước lớn, hiện thực hóa ý tưởng "cân bằng quan hệ giữa các nước lớn"; dựa vào ASEAN để nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc, APEC, Hợp tác tiểu vùng sông Mekong, giúp Việt Nam có chỗ đứng trong quá trình thiết lập và "định hình" trật tự kinh tế và chính trị quốc tế, đồng thời làm nổi bật hình ảnh quốc tế của Việt Nam với mục tiêu theo đuổi hòa bình, tuân thủ pháp luật, duy trì trật tự và tìm kiếm hợp tác trong quá trình này.
- Bốn là, xử lý tốt quan hệ với các nước lớn là ưu tiên hàng đầu. Đối với Việt Nam, ưu tiên hàng đầu về ngoại giao là hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc và Mỹ không chỉ là đối tác quan trọng của Việt Nam mà còn là đối tượng phòng ngừa và đấu tranh trọng yếu. Trong tương lai, Việt Nam sẽ xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ dựa trên nguyên tắc "vừa hợp tác vừa đấu tranh": Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường đan xen lợi ích, tăng cường tin cậy với Mỹ, dựa vào Mỹ để tăng cường năng lực quốc phòng, ngoại giao trong một số vấn đề lớn. Đồng thời, ngăn chặn sự can thiệp và phá hoại của Mỹ vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Đối với Trung Quốc, Việt Nam sẽ "kiên quyết và kiên trì đấu tranh" trên các mặt bất đồng, tiếp tục giảm thiểu "sự phụ thuộc kinh tế" vào Trung Quốc. Đồng thời, tích cực tìm kiếm quan hệ ổn định với Trung Quốc và hợp tác chính trị, kinh tế có lợi cho mình. Đối với "cuộc chơi" của các nước lớn, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quyết tâm chiến lược, "quyết không chọn bên", đồng thời sử dụng mâu thuẫn của các nước lớn để đạt được những lợi ích chiến lược thông qua các liên minh về mặt chiến thuật.
Trước một Việt Nam tràn đầy nhiệt huyết, mạnh mẽ và triển vọng, bên cạnh duy trì phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", Trung Quốc nên điều chỉnh lại nhận thức và tư tưởng theo hướng:
- Một là, phải coi trọng. Mặc dù Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, nhưng nhiều người dân trong nước, bao gồm cả một số quan chức và học giả, luôn cho rằng Việt Nam là một "nước nhỏ". Trên thực tế, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người và đang phát triển nhanh chóng, nếu giấc mơ phát triển đất nước thực hiện thuận lợi thì Việt Nam sẽ là một Hàn Quốc tiếp theo, thậm chí là Nhật Bản tiếp theo, tầm quan trọng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên nổi bật.
- Hai là, cần tỉnh táo. Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không lựa chọn bên trong cạnh tranh giữa các nước lớn, điều này dựa trên những bài học lịch sử và nhu cầu thực tiễn, và là sự lựa chọn cần thiết để thực hiện giấc mơ phát triển đất nước. Bất luận là thế lực bên ngoài có tác động như thế nào, chỉ cần tình hình không có sự thay đổi cực đoan, thì sẽ không tồn tại vấn đề "Việt Nam sẽ đi theo ai".
- Ba là, phân định cạnh tranh và hợp tác. Giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều lợi ích chung, đồng thời cũng có những mâu thuẫn và bất đồng nổi bật. Các mặt có lợi ích chung tồn tại nhiều không gian để hợp tác trong khi các mặt bất đồng lại có ít không gian để thỏa hiệp, cả hai mặt này không thể thay thế nhau trong ngắn hạn. Vì vậy, Trung Quốc cần tăng cường hợp tác trong những mặt có thể hợp tác, kiên trì trong những mặt cần kiên trì, không nên cho rằng hợp tác làm giảm bớt bất đồng, và cũng không nên lo ngại bất đồng sẽ làm gián đoạn hợp tác. Hơn nữa, cả hai đều nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của môi trường xung quanh, chỉ cần nắm bắt được điều này thì sẽ không có xáo trộn lớn.
- Bốn là, cần thực tế. Việt Nam có những nghi ngờ khó thể giải quyết trong ngắn hạn về BRI và việc xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, đây là sự thật khách quan mà Trung Quốc phải đối mặt. Trung Quốc cần từ bỏ chủ nghĩa lý tưởng, đơn phương tình nguyện, không nên nóng vội nhất thời, nên làm tốt các công việc liên quan với các quốc gia Đông Nam Á khác, có thể kiên nhẫn chờ đợi Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu, thậm chí là thoát khỏi "phụ thuộc kinh tế" vào Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế phát triển thuận lợi, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn, "khát vọng" của Việt Nam trong phương diện này càng trở nên mạnh mẽ, các nhà đầu tư Trung Quốc cần phải nhận thức đầy đủ và lý tính về vấn đề này./.
Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo