Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 25 năm bình thường hóa quan hệ và vấn đề cân bằng lợi ích với các nước lớn
Đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sáng ngày 12/7/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ảnh: baoquocte.vn
Ngày 11/7 vừa qua đánh dấu 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Kể từ đầu năm 2020, hai nước đã có nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện này, và dường như không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong tháng 3/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cập bến Việt Nam, tiếp đó Mỹ viện trợ gần 3 triệu USD cho Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Mỹ cũng thổi phồng sự kiện tàu Trung Quốc đâm chìm thuyền đánh cá của Việt Nam vào tháng 4/2020. Trong tháng 5/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trên thực tế, Trung Quốc mong muốn quan hệ Việt - Mỹ phát triển tốt đẹp. Là nước láng giềng quan trọng của Trung Quốc, sự phát triển của Việt Nam sẽ có lợi cho sự thịnh vượng và ổn định của khu vực xung quanh Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Đây không phải là phát triển hòa bình hay đối xử có đi có lại. Việt Nam chắc hẳn đã quen thuộc với những "chiêu trò" của Mỹ. Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á vẫn không nhất quán và chỉ để nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ. Washington không hề quan tâm đến đạo đức hay công lý. Tổng thống Trump khi nhậm chức đã không mấy quan tâm tới Đông Nam Á. Việt Nam từ lâu đã là nước mà Mỹ muốn lợi dụng để kiềm chế Trung Quốc về mặt địa chính trị. Tuy nhiên, một khi Việt Nam và Mỹ có mâu thuẫn thì Mỹ sẽ không ngại ngần gì trong việc công kích Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần bị Mỹ đe dọa bằng các biện pháp trừng phạt thương mại. Trong lĩnh vực chính trị, ngoài vấn đề Biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc không có xung đột cơ bản. Bắc Kinh và Hà Nội có hệ thống chính trị tương tự nhau. Hai bên có lợi ích chung trong việc bảo vệ hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Điều này được minh chứng bởi sự ủng hộ của Việt Nam đối với Luật bảo đảm an ninh quốc gia tại Hồng Công. Mặt khác, Washington chưa từng từ bỏ ý đồ thực hiện "cách mạng màu" ở Hà Nội. Mỹ đã lợi dụng những vấn đề xã hội như dân chủ, nhân quyền để kích động mâu thuẫn ở Việt Nam. Hà Nội vẫn rất tỉnh táo trong vấn đề này.
Hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là động lực quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển quan hệ song phương trong 25 năm qua. Thương mại song phương Việt - Mỹ đã tăng 170 lần từ mức 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD năm 2019. Mỹ đã liệt kê Việt Nam vào danh sách các đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Tuy nhiên, nói về chuỗi cung ứng, vẫn khó để Việt Nam loại bỏ được sự lệ thuộc về cấu trúc vào Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu của dịch Covid-19, biên giới Việt - Trung đã bị tạm đóng. Để giảm thiểu tác động đối với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam đã chủ động đề nghị Trung Quốc khôi phục thương mại biên giới. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam đã tăng 14,1%, đứng đầu trong số các nước ASEAN.
Trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, Việt Nam tuyên bố theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cởi mở, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam mong muốn nâng cao vị thế quốc tế của mình bằng cách áp dụng chiến lược cân bằng giữa các nước lớn. Trên thực tế, Hà Nội mong muốn "lôi kéo" Mỹ để tăng cường sức mạnh chiến lược của mình ở Biển Đông. Đây là lựa chọn chiến lược mà Việt Nam đưa ra dựa trên sức mạnh quốc gia và tình hình khu vực. Nhưng nếu sự can dự của Mỹ ở Biển Đông khiến căng thẳng khu vực gia tăng hay phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Thiệt hại đối với Việt Nam sẽ lớn hơn lợi ích đạt được./.
Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo