Truy cập nội dung luôn

Lãnh sự Lãnh sự

Tình hình xuất khẩu lao động Tiền Giang năm 2019 và công tác tăng cường quản lý việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại tỉnh

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa đưa ra thông tin thống kê về số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2019.

(Biểu đồ Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 năm. Nguồn:kinhtedothi.vn)

Theo số liệu thống kê, năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 147.387 lao động (trong đó có 49.324 lao động nữ) đạt 122,8% kế hoạch năm 2019, (kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 là 120.000 lao động), bằng 103,2% so với cả năm 2018 (năm 2018 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 lao động) trong đó thị trường: Nhật Bản: 80.002 lao động (28.948 lao động nữ), Đài Loan: 54.480 lao động (18.287 lao động nữ), Hàn Quốc: 7.215 lao động (514 lao động nữ), Rumania: 1.400 lao động (41 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 1.357 lao động (1.062 lao động nữ), Malaysia: 454 lao động (138 lao động nữ), Macao: 367 lao động (224 lao động nữ), Algeria: 359 lao động nam và các thị trường khác.

(Biểu đồ Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2019. Nguồn:kinhtedothi.vn)

Như vậy, năm 2019 là năm thứ sáu liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm và là năm thứ tư liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm (năm 2014: 106.840 lao động, năm 2015: 115.980 lao động, năm 2016: 126.289 lao động, năm 2017: 134.751 lao động và năm 2018: 142.860 lao động).

Theo đó, ngày 18/11/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành Công văn số 805-CV/BCSĐ về việc tăng cường quản lý công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

(Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Ảnh: dantri)

Trong những năm gần đây hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt được nhiều kết quả tích cực: số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng; chất lượng, trình độ năng lực, tay nghề và ngoại ngữ của người lao động từng bước được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu công việc, được người sử dụng lao động nước ngoài đánh giá cao và ưu tiên tuyển dụng. Kết quả đáng khích lệ này là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong việc chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường lao động ngoài nước, đem lại cơ hội việc làm có thu nhập cao cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn tồn tại tình trạng các doanh nghiệp chưa chú trọng công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; thu phí của người lao động cao hơn mức quy định của pháp luật; hiện tượng cho thuê, mượn giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của một số doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng; chưa thực hiện đúng cam kết với người lao động; một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, không quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các chi nhánh được giao nhiệm vụ; không chú trọng công tác quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, chậm phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động, có trường hợp để vụ việc kéo dài, gây hậu quả xấu; khi xảy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện, có những doanh nghiệp đã không tích cực giải quyết kịp thời, dứt điểm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm tại địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là những ngành, nghề, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động địa phương; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó thông tin đầy đủ các hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình địa phương đưa tin kịp thời, khách quan về tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; biểu dương và nhân rộng các điển hình tốt, phê phán xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật. Có các biện pháp hạn chế tình trạng người lao động bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật của nước sở tại; giám sát chặt chẽ công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và các kiến thức cần thiết cho người lao động; nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động cho người lao động địa phương trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Tại tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Công văn số 5469/UBND-VHXH ngày 19/12/2019 để triển khai thực hiện việc tăng cường quản lý công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong năm 2019, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính từ đầu năm đến nay, ngành đã tư vấn cho trên 1.600 lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đã có 273 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 140% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 182% kế hoạch năm và đạt 91% kế hoạch phấn đấu; trong đó xuất cảnh qua Nhật Bản là 223 lao động, Đài Loan là 38 lao động, Hàn Quốc là 05 lao động, thị trường khác là 07 lao động).

Về công tác hỗ trợ chi phí ban đầu và cho vay đi làm việc ở nước ngoài: từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ chi phí ban đầu (chi phí không hoàn lại) theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 cho 05 lao động và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 57 lao động đi làm việc ở nước ngoài với số tiền là 5,486 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thống nhất giải ngân cho người lao động hai đợt ngay sau khi trúng tuyển và ký hợp đồng với doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thời điểm giải ngân 6 tháng trước khi lao động xuất cảnh, mức vay tín chấp tối đa 100% chi phí bao gồm chi phí người lao động nộp doanh nghiệp theo hợp đồng và chi phí sinh hoạt ăn ở, đi lại, khám sức khỏe và làm các thủ tục cần thiết.

Về tổ chức đào tạo, định hướng, cung cấp thông tin nước đến, trang bị kiến thức pháp lý, trình độ tay nghề cho người lao động trước lúc ra nước ngoài: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện cấp phát 10.000 tờ rơi, 800 cuốn tài liệu, 300 bìa thông tin tuyên truyền đi làm việc ở nước ngoài đến Ủy ban nhân dân cấp xã, các trường, cơ sở đào tạo, các hội đoàn thể tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện phối hợp tuyên truyền, tư vấn cho người lao động; dán 300 tờ decal thông tin tuyên truyền tại 04 huyện, thị (huyện Tân Phước, Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy); lắp đặt 15 bảng thông tin tuyên truyền tại các cơ sở đào tạo; treo 130 băng rôn tuyên truyền tại Ủy ban nhân dân cấp xã và nơi đông dân cư, bến xe, bến phà; thông báo trên sóng truyền hình tỉnh 3 lần, phát thanh tỉnh 4 lần về thông tin đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài,…Phối hợp tư vấn, hướng nghiệp cho 52 quân nhân xuất ngũ tại Thành đội thành phố Mỹ Tho và hơn 150 đoàn viên, thanh niên tại Thành đoàn thành phố Mỹ Tho, Thị đoàn Gò Công; đồng thời phối hợp 10/11 huyện, thị xã tổ chức hội nghị xúc tiến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phối hợp tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2019 (riêng huyện Tân Phú Đông không tổ chức hội nghị do trong cuối năm 2018 huyện đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn huyện).

Sau khi đã tổ chức hội nghị xúc tiến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các huyện, thành, thị tiếp tục tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người lao động tại các xã, phường, thị trấn. Từ đầu năm đến nay 11 huyện/thành/thị đã phối hợp với 09 doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại 60 xã trên địa bàn.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao làm đầu mối phối hợp liên kết giữa các địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong việc tuyên truyền, vận động, tuyển chọn và tạo nguồn ở địa phương; nắm bắt tình hình lao động đang làm việc ở nước ngoài và lao động về nước. Theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và các cơ sở đào tạo trong tỉnh ký kết liên kết tạo nguồn với doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đến thời điểm hiện nay, đã có 13 doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan ký liên kết tạo nguồn với 07 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và 07 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Đối với người lao động trước khi xuất cảnh, đều được doanh nghiệp đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về pháp luật Việt Nam, pháp luật cũng như phong tục, tập quán, nếp sống, sinh hoạt và làm việc của nước tiếp nhận lao động, chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết đảm bảo theo nội dung và thời lượng do Bộ Lao động - TB&XH quy định.

Riêng tại tỉnh đã tổ chức đào tạo ngoại ngữ 241 học viên (tiếng Hàn là 26 học viên, tiếng Nhật là 208 học viên, tiếng Trung là 07 học viên), trong đó: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức tiếng Nhật cho 43 học viên, tiếng Hàn cho 26 học viên và tiếng Trung là 07 học viên; Trường Đại học Tiền Giang đào tạo tiếng Nhật cho 30 học viên; Trường Cao đẳng Y tế đào tạo tiếng Nhật cho 11 học viên ngành điều dưỡng, hộ lý; Trường Cao đẳng Tiền Giang đào tạo tiếng Nhật cho 24 học viên và Trường Trung cấp Gò Công đào tạo tiếng Nhật cho 100 học viên.

Mỹ Duyên tổng hợp


Tin liên quan
Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia và vùng lãnh thổ phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid-19    17/06/2022
Tổng hợp kết quả chuyến thăm Châu Á của bà Wendy Sherman - Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ    17/06/2022
Tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022    17/06/2022
Ngành chế biến – chế tạo Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc    17/06/2022
Đông Nam Á cân nhắc về ngoại hối dự trữ để tránh phụ thuộc vào một ngoại tệ duy nhất    17/06/2022
Vietjet khai trương đường bay thẳng đầu tiên và duy nhất từ Mumbai đến Việt Nam    17/06/2022
Việt Nam có phải là mối lo về thị phần sản xuất đối với Trung Quốc?    17/06/2022
Việt Nam cần tính toán chiến lược cạnh tranh trong thu hút FDI thay cho lao động giá rẻ    17/06/2022
Nhiều công ty Châu Âu chọn Việt Nam hơn Trung Quốc    17/06/2022
Ủy hội sông Mê Công công bố công nghệ giám sát chất lượng nước sông Mê Công và sự di cư của cá    17/06/2022

Liên kết Liên kết

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

  Đang truy cập : 45
  Hôm nay: 1
  Tổng lượt truy cập: 786362