Truy cập nội dung luôn

Nghiệp vụ ngoại giao Nghiệp vụ ngoại giao

ASEAN cần sớm hoàn tất COC để hóa giải các tranh chấp ở Biển Đông

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, căng thẳng trên Biển Đông đã ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc liên tục thực hiện các hành vi trái phép trong vùng biển tranh chấp và cùng với đó là phản ứng mạnh mẽ của Mỹ đối với các yêu sách lãnh thổ đầy tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Căng thẳng đã leo thang mạnh trong vài tuần qua khi mà quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng đi xuống.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 1-2020 ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã nhất trí cần sớm tái khởi động đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Ảnh: anninhthudo.vn

Tác động lớn nhất của việc suy thoái quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung là tần suất gia tăng của các cuộc tập trận và triển khai quân sự ở Biển Đông. Một loạt tên lửa tầm trung đã được Trung Quốc phóng thử nghiệm với "khoảng cách đáng kể" ở vùng biển tranh chấp. Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Wu Qian, kế hoạch tập trận của nước này đã được lên kế hoạch từ lâu, trải dài từ Thanh Đảo ở phía Đông Bắc Trung Quốc đến các quần đảo Trường Sa cũng như bao gồm cả khu vực giữa đảo Hải Nam và các quần đảo Hoàng Sa. Một mặt, cuộc tập trận nhằm thể hiện năng lực quân sự của Trung Quốc; mặt khác, đây là phản ứng của Trung Quốc trước việc Hải quân Mỹ triển khai siêu tàu sân bay Ronald Reagan và Nimitz để tiến hành tập trận xung quanh căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tại quần đảo Hải Nam.

Lầu Năm Góc trong một tuyên bố được đưa ra sau các cuộc tập trận trên đã cáo buộc Trung Quốc "vi phạm các cam kết trước đây là không quân sự hóa Biển Đông". Số lượng gia tăng các tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển giáp với các đảo Natuna của Indonesia cũng đã buộc một số nước ASEAN như Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines phải triển khai thêm các tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thành lập của hai đặc khu hành chính mới tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như huy động thêm Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam cùng tham gia tập trận tại Biển Đông cho thấy nước này muốn gửi thông điệp tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ sự thống trị và khẳng định chủ quyền tại Biển Đông - một động thái vô cùng "nguy hiểm" và gây trở ngại lớn trong việc xoa dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định ở khu vực.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang nỗ lực củng cố vị thế và hiện diện quân sự ở Biển Đông cũng như nhiều lần công khai chỉ trích các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại khu vực này. Thời gian gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh các cuộc tập trận vì tự do hàng hải (FONOP), tại Biển Đông; các cuộc tập trận "cấp cao", bao gồm hoạt động tác chiến tàu sân bay kép, cũng đã được Hải quân Mỹ tiến hành từ năm 2014 song song với việc tăng cường triển khai tàu ngầm và tuần tra hàng hải tại vùng biển trên. Theo nhiều chuyên gia dự báo, cường độ FONOP ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tăng mạnh so với các năm trước. Tính đến thời điểm này của năm 2020, Hải quân Mỹ đã thực hiện 7 cuộc tập trận, so với 8 cuộc năm 2019, 5 cuộc năm 2018 và 4 cuộc năm 2017. Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong vùng biển tranh chấp đã được tăng cường rõ rệt với việc triển khai cùng lúc hai tàu sân bay vào tháng 7. Trước đây, Mỹ từng không đứng về quốc gia nào khi đề cập vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông song đến bây giờ, điều này đã thay đổi. Trong báo cáo ngày 13/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ về "Lập trường của Mỹ đối với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông", Mỹ đã khẳng định các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp và ủng hộ phán quyết của Tòa án quốc tế năm 2016 về việc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Động thái này cho thấy Mỹ đã lựa chọn đứng phía sau hẫu thuận các nước ASEAN có yêu sách chủ quyền như Malaysia, Việt Nam và Philippines.

Trong một diễn biến khác, vào tháng 8, Chính quyền Mỹ đã quyết định phạt và bổ sung 24 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" vì đã tham gia giúp Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong các tuyên bố riêng biệt sau đó, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh những công ty này "đã hỗ trợ Bắc Kinh nạo vét và xây dựng hơn 3.000 hòn đảo nhân tạo để lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm và các thiết bị quân sự khác. Những hòn đảo này được Trung Quốc sử dụng để khẳng định các yêu sách mới về hàng hải và "bắt nạt" Philippines cũng như các quốc gia khác ở khu vực, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của những nước nhỏ hơn trong các hoạt động đánh bắt cá và khai thác năng lượng ngoài khơi." Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã tuyên bố động thái này của Mỹ là "một hành động bá quyền vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế".

Tình hình này đã đặt các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vào thế khó. Hiện Mỹ đã khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Biển Đông đã trở thành khu vực tranh chấp quyền lực, với Trung Quốc được coi là một trong những tác nhân chính gây mất ổn định. Các nước ASEAN luôn cố né tránh hoặc không "chọn phe" trong những tình huống như vậy. Ngay cả khi Mỹ nêu rõ lập trường trong báo cáo của Bộ Ngoại giao ngày 13/7, không phải tất cả các nước ASEAN đều tán thành, trừ Việt Nam (với một số ngôn từ có thể gọi là phản ứng tích cực), do lo ngại sẽ gây thù hằn và làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc. Đã có những dấu hiệu cho thấy Biển Đông sẽ nhanh chóng leo thang để trở thành một tâm điểm quân sự hóa. Theo dự báo, trong trường hợp Mỹ tiếp tục gia tăng FONOP tại Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ phản ứng một cách tương tự và qua đó, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới.

Trong bối cảnh Biển Đông trở thành khu vực cạnh tranh chiến lược và quân sự của nhiều nước lớn, đã đến lúc các quốc gia ASEAN cần xây dựng lập trường vững chắc của cả khối, nhất là khi các nước này cũng tin rằng Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch Covid-19 để lấn tới và củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là thời điểm tốt để các nước ASEAN tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh thân cận như Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm tăng cường lợi thế đàm phán với Trung Quốc trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC). Do sự chênh lệch lớn về sức mạnh và năng lực hải quân, các nước Đông Nam Á nên tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao khả năng giám sát các "động thái" của Trung Quốc tại vùng EEZ của họ. Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền như chuyển giao các thiết bị radar, máy bay không người lái và tàu tuần tra để giúp giám sát và phát hiện hiệu quả hơn các hoạt động đánh bắt cá trái phép cũng như sự hiện diện của các tài hải quân Trung Quốc.

 Ngoài ra, một lựa chọn khác cho các nước ASEAN là thúc đẩy hoàn tất đàm phán COC với Trung Quốc thông qua gây sức ép lên Trung Quốc tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) - nơi có sự góp mặt của Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản. Bên cạnh đó, COC có thể được xây dựng dựa trên cách tiếp cận "khối xây dựng", trong đó mục tiêu ở giai đoạn đầu sẽ tập trung vào việc hạn chế sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các tàu đánh bắt cá và các hoạt động thăm dò, khoan trái phép tại các vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước. Ở giai đoạn tiếp theo, COC có thể tập trung vào việc giảm bớt sự can dự hoặc hiện diện của các tàu quân sự trong vùng biển tranh chấp. Luật hàng hải chắc chắn sẽ là một "vũ khí mạnh mẽ" của các nước ASEAN. Trên cơ sở Công ước UNCLOS 1982, Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam đều đã đệ trình Công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc cùng tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Các quốc gia này cũng ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa án quốc tế. Ngay cả Brunei cũng đưa ra tuyên bố đầu tiên về Biển Đông, trong đó cũng đã viện dẫn tới phán quyết nêu trên. Mặc dù luật pháp quốc tế là một công cụ mạnh, song cần nhớ rằng trước đây Trung Quốc từng đơn phương bác bỏ hoàn toàn phán quyết của Tòa án quốc tế. Do đó, việc thúc đẩy sự tham gia của Trung Quốc tại các diễn đàn đa phương nơi mà các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ cùng tham gia - những nước luôn khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn tất COC - là hết sức cần thiết để giúp các nước ASEAN xử lý hiệu quả hơn mối quan hệ với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này./.

 

Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo

 


Tin liên quan
QUY TRÌNH THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI TIỀN GIANG?    10/11/2022
Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia và vùng lãnh thổ phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid-19    17/06/2022
Tổng hợp kết quả chuyến thăm Châu Á của bà Wendy Sherman - Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ    17/06/2022
Tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022    17/06/2022
Ngành chế biến – chế tạo Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc    17/06/2022
Đông Nam Á cân nhắc về ngoại hối dự trữ để tránh phụ thuộc vào một ngoại tệ duy nhất    17/06/2022
Vietjet khai trương đường bay thẳng đầu tiên và duy nhất từ Mumbai đến Việt Nam    17/06/2022
Việt Nam có phải là mối lo về thị phần sản xuất đối với Trung Quốc?    17/06/2022
Việt Nam cần tính toán chiến lược cạnh tranh trong thu hút FDI thay cho lao động giá rẻ    17/06/2022
Nhiều công ty Châu Âu chọn Việt Nam hơn Trung Quốc    17/06/2022

Liên kết Liên kết