Truy cập nội dung luôn

Nghiệp vụ ngoại giao Nghiệp vụ ngoại giao

BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ (Thứ Ba, ngày 05/11/2019)

VỤ TỔNG HỢP KINH TẾ

-----------

BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ

(Thứ Ba, ngày 05/11/2019)

***

Tin vắn

  • Dòng vốn FDI toàn cầu tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2019;
  • FED cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm %, thừa nhận đầu tư kinh doanh và xuất khẩu của Mỹ tăng trưởng "yếu";
  • Kinh tế Mỹ quý 3/2019 tăng trưởng chậm nhất trong 3 năm trở lại đây;
  • Mỹ - Trung tìm kiếm địa điểm mới để ký thoả thuận thương mại sau khi Chile huỷ Hội nghị cấp cao APEC;
  • Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, dự báo đạt tốc độ 6,2% trong năm 2019;
  • Chỉ số PMI của Trung Quốc giảm tháng thứ 6 liên tiếp;
  • Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn Hiệp định FTA với Anh;
  • Cựu Chủ tịch IMF đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng TW châu Âu;
  • Thương mại Việt - Trung 2019 ước đạt trên 150 tỷ USD, nhập siêu tiếp tục tăng;

Bài phân tích/Tin chuyên sâu

 

  • Việt Nam vẫn khó có thể bắt kịp Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo;
  • Nhân nhượng với Mỹ trong lĩnh vực thương mại là một trò chơi mạo hiểm.

 

A. KINH TẾ THẾ GIỚI:

  • Theo báo cáo do OECD công bố ngày 29/10, dòng vốn FDI trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2019 giảm 20% so với nửa cuối năm 2018 xuống mức 572 tỷ USD. FDI vào các nước phát triển và là thành viên OECD giảm 43% xuống còn 304 tỷ USD. Mỹ tiếp tục giữ vị trí quốc gia tiếp nhận FDI hàng đầu với 151 tỷ USD nhưng con số này đã giảm đáng kể so với mức 208 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2018 do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên dòng FDI từ Trung Quốc (từ 16 tỷ USD trong nửa cuối năm 2016 xuống dưới 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019). Thống kê của OECD cũng ghi nhận sự sụt giảm theo chu kỳ của dòng vốn vào Hà Lan, Anh,Bỉ, Ai-len và Tây Ban Nha. Xuất xứ của dòng FDI chủ yếu đến từ các nước OECD với 403 tỷ USD, trong đó Nhật Bản (137 tỷ USD), Mỹ (69 tỷ USD), Đức (67 tỷ USD) và Anh (56 tỷ USD) là những nước cung cấp FDI nhiều nhất. (ĐSQVN tại Pháp, 31/10)

 

 1. Mỹ:

  • Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất tại phiên họp ngày 29-30/10, và đây là lần cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm. Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) đã cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm %, từ biên độ 1,75-2% hiện nay xuống biên độ 1,5-1,75%. FED vẫn đưa ra một đánh giá khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ, trong đó nêu bật việc đà tăng trưởng việc làm và chi tiêu hộ gia đình tiếp tục tăng với tốc độ mạnh mẽ. Tuy nhiên, FED cũng thừa nhận đầu tư kinh doanh và khu vực xuất khẩu "vẫn yếu". (CNBC, 31/10)
  • Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/10 cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý 3/2019 đạt 1,9%, giảm nhẹ so với mức 2% của quý 2 và là mức tăng thấp nhất theo quý kể từ quý 4/2016. Nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ tăng trưởng giảm là do chi đầu tư kinh doanh giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài. Số liệu của Bộ Thương mại cũng cho thấy nhu cầu của doanh nghiệp đang giảm sút. (ĐSQVN tại Hoa Kỳ, 31/10)
  • Trung Quốc và Mỹ đang tìm kiếm một địa điểm mới để ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau khi Chile hủy Hội nghị cấp cao APEC. Theo Tổng thống Mỹ, thỏa thuận giai đoạn 1 này dự tính chiếm khoảng 60% nội dung gói thỏa thuận thương mại. Theo một số nguồn tin, địa điểm mới nơi mà Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump dự kiến ký thỏa thuận sẽ sớm được công bố. Tờ Bloomberg thì cho rằng việc Chile hủy Hội nghị APEC có vẻ là một cản trở mới cho triển vọng gặp gỡ Trump – Tập. Báo này cũng trích dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng các quan chức Trung Quốc vẫn nghi ngờ về một thỏa thuận dài hạn, tổng thể với Mỹ. (ĐSQVN tại Hoa Kỳ, 31/10)
  • Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/10 cho biết Chính phủ nước này đã kết thúc tài khóa 2019 với khoản thâm hụt ngân sách lớn nhất trong 7 năm qua do các khoản thu từ thuế không đủ bù đắp kinh phí trả nợ công và chi tiêu gia tăng. Trong tài khóa 2019, thâm hụt ngân sách của Mỹ lên tới 984 tỷ USD, chiếm 4,6% GDP của Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của tài khóa 2018 là 779 tỷ USD, tương đương 3,8% GDP. Tổng thu từ thuế tăng 4%, song tổng mức chi tiêu tăng 8,2%. (Reuters, TTXVN, 25/10)
  • Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross trong một phát biểu vào ngày 3/10 cho biết giấy phép cho phép cho các công ty Hoa Kỳ bán các thiết bị điện tử cho Tập đoàn Huawei của Trung Quốc sẽ sớm được công bố, đồng thời cũng bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đi đến một thoả thuận thương mại trong tháng 11. Đây là bước tiến mới nhất của Hoa Kỳ đối với các công ty của Trung Quốc khi trước đó chính quyền Trump đưa Huawei và hàng loạt các công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen với cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Ross cũng cho biết hiện nay Hoa Kỳ vẫn chưa có cam kết nào liên quan đến việc hoãn áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc vào tháng 12 sắp tới. (CNBC, 3/11)

2. Trung Quốc:

  • Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nửa cuối năm 2019 kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,1% và cả năm 2019 sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,2%. Mặc dù thừa nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, Viện Nghiên cứu Kinh tế vẫn cho rằng, kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn duy trì ổn định. (ĐSQVN tại Trung Quốc, 30/10)
  • Số liệu công bố ngày 30/10 cho thấy, Chỉ số Nhà Quản trị mua sắm (PMI) của Trung Quốc giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 10 đạt 49,3 điểm, giảm so với mức 49,8 của tháng 9, và dưới mức 50 điểm. (CNBC, 31/10)
  • Kinh tế Hồng Công tiếp tục duy trì tăng trưởng yếu từ nay cho đến cuối năm do chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình kéo dài 4 tháng qua và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Điều này dẫn đến sự sụt giảm trong lĩnh vực bán lẻ và du lịch của nền kinh tế. Ngoài ra, do hậu quả của cuộc chiến thương mại, ngành xuất khẩu của nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. (CNBC, 1/11) 
  • Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen cho biết nước này sẽ loại bỏ tất cả hạn chế đối với các khoản đầu tư nước ngoài không nằm trong "danh sách tiêu cực"  của nước này. Bên cạnh đó, quan chức trên khẳng định Trung Quốc không ép buộc các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. (Bản tin Kinh tế, 31/10)

3. Khu vực châu Âu: 

  • Theo số liệu công bố ngày 31/10, kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục tăng trưởng chậm lại, phản ánh tình trạng khó khăn của cả khu vực Eurozone. Tăng trưởng kinh tế quý 2/2019 chỉ là 0,4%, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. (Bloomberg, 31/10)
  • Cựu Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng TW Châu Âu (ECB) từ ngày 1/11, thay ông Mario Draghi. Trên cương vị mới tại ECB, tân Chủ tịch Lagarde khẳng định nhiệm vụ cốt lõi của ECB là "duy trì sự ổn định… nhưng đối phó với các nguy cơ môi trường và biến đổi khí hậu cũng là nhiệm vụ quan trọng". Bà tuyên bố ủng hộ việc "từng bước chuyển đổi" đầu tư của ECB cho các dự án môi trường. (BTKT, 31/10)
  • Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Mỹ có thể không cần phải áp thuế đối với ô tô nhập khẩu vào cuối tháng này, sau khi đạt tiến triển trong các cuộc đối thoại với các nhà sản xuất ô tô tại EU. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, cho biết đảng Dân chủ sẽ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc hơn là với Liên minh châu Âu. (Bloomberg, 4/11)

4. Nhật Bản và Hàn Quốc:

  • Ngày 28/10, Quốc hội Hàn Quốc đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa nước này và Anh, một hiệp định sẽ tự động có hiệu lực sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. FTA trên về cơ bản sao chép các điều khoản của thỏa thuận hiện nay giữa Hàn Quốc với EU và được phê chuẩn khi vẫn chưa rõ về thời điểm diễn ra Brexit.

5. ASEAN và các nền kinh tế mới nổi:

  • Theo Bộ Công Thương Singapore, trong Quý 3/2019, kinh tế Singapore đã tránh được tình trạng suy thoái kỹ thuật nhờ đạt được mức tăng trưởng 0,1%, bằng tốc độ tăng trưởng của Quý 2/2019 (ở mức 0,1% so với cùng kỳ năm 2018). Về mặt lý thuyết, dựa vào các chỉ số tăng trưởng nêu trên, có thể nói nền kinh tế Singapore gần chạm mốc rơi vào suy thoái kỹ thuật, khi mà nền kinh tế có hai quý liên tục giảm tốc độ tăng trưởng so với quý liền kề trước đó. (ĐSQVN tại Singapore, 28/10)
  • Việc ngành bán lẻ của Ốt-xtrây-li-a sụt giảm vào quý 3/2019 trong khi tăng trưởng kinh tế tháng 9 thấp hơn mức kỳ vọng đặt ra nhu cầu về những biện pháp kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Theo thống kê của Cục Thống kê Úc (ABS) công bố vào ngày 4/10, chỉ số bán lẻ chỉ tăng 0,2% trong tháng 9 trong khi chỉ số này là 0,4% trong tháng 8. Cả 2 chỉ số này đều thấp hơn mức dự báo là 0,5%. (Reuters, 4/11)

B. KINH TẾ VIỆT NAM:

  • Theo Bản tin Kinh tế vĩ mô tháng 10/2019 của Ngân hàng BIDV, tình hình kinh tế trong nước 10 tháng đầu năm 2019 tương đối tích cực. Sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng. Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 15 tháng. Xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng khá, thặng dư thương mại 10 tháng tiếp tục đạt mức cao, lũy kế 10 tháng đầu năm xuất siêu 7,1 tỷ USD, mức cao so với cùng kỳ trong vòng 9 năm. Vốn FDI trong 10 tháng đầu năm có sự tăng trưởng cả về vốn đăng ký và thực hiện. Tỷ giá VND/USD ổn định nhờ thặng dư thương mại, vốn đầu tư gia tăng và triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc… (Viện Đào tạo và Nghiên cứu - BIDV, 10/2019)
  • Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt 113,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 43,8 tỷ USD, giảm 3,8%; nhập khẩu đạt 69,5 tỷ USD, tăng 15,3%; nhập siêu 25,7 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch hai chiều Việt Nam - Trung Quốc cả năm 2019 sẽ vượt 150 tỷ USD. (ĐSQ VN tại Trung Quốc, 29/10)
  • Brazil chấm dứt áp thuế phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Các sản phẩm này bao gồm các mã HS: 7219.32.00, 7219.33.00, 7219.34.00, 7219.35.00 và 7220.20.00. Trước đó, mức thuế dành cho các nhà xuất khẩu sản phẩm bị điều tra tại Việt Nam là 568,27 USD/tấn. Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thép không gỉ cán nguội Việt Nam sang Brazil phải tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định của Việt Nam và Brazil về quy tắc xuất xứ. (TTXVN, 30/10)
  • Từ ngày 05-08/12/2019 tại Vương quốc Campuchia sẽ diễn ra Diễn đàn hợp tác kinh doanh Việt Nam - Campuchia. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ phố hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức, nhằm góp phần để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, giao lưu, từ đó mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư. (Báo Pháp luật, 01/11)
  • Nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng và bắt đầu thực hiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương (http://online.moit.gov.vn) ở mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu kể từ ngày 01/11.

 

C. TIN CHUYÊN SÂU / BÀI PHÂN TÍCH

1. Việt Nam vẫn khó có thể bắt kịp Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo. (CNBC, 29/10)

Theo Trung tâm phân tích Oxford Economics, việc cả Trung Quốc và Mỹ đều đã tiến hành áp dụng các biện pháp thuế quan lên hàng hoá của nước còn lại trong hơn một năm qua đã khiến kim ngạch thương mại song phương sụt giảm nghiêm trọng. Hệ quả là, cả hai quốc gia đều tiến hành mua sắm hàng hoá tại các thị trường khác, trong khi các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đang tìm cách chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác nhằm tránh các biện pháp thuế quan từ phía Hoa Kỳ. Việt Nam là quốc gia được cho là hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển của dòng thương mại và chuỗi sản phẩm. Tuy nhiên, một vài nhà phân tích chỉ ra một vài vấn đề của nền kinh tế Việt Nam. Và cũng chính những vấn đề này làm hạn chế khả năng Việt Nam tận dụng tốt những lợi thế này.

Sản lượng đầu ra trong lĩnh vực sản xuất. Một lý do khiến các công ty có vẻ sẽ không từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc chính là bởi quy mô của ngành sản xuất và nền kinh tế nước này, điều khiến cho các công ty duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Việt Nam, tuy được cho là một trong những quốc gia có thể thay thế Trung Quốc, nhưng vẫn nền kinh tế này vẫn tồn tại nhiều điểm yếu và quy mô còn khiêm tốn khi so sánh với các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.

 Vấn đề về nhân lực. Theo một phân tích của Fitch Solutions, một trong những rào cản lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam là sự thiếu hụt về nhân lực. Nhân lực liên quan đến giá trị kinh tế của lực lượng lao động, bao gồm các yếu tố như trình độ giáo dục, kỹ năng, sức khoẻ của lao động. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và ngày một gia tăng. Mặc dù vậy, quy mô lực lượng lao động ở Việt Nam vẫn nhỏ hơn so với quy mô của Trung Quốc. Theo ông Kenny Liew, một nhà phân tích của Fitch Solutions phát biểu tại một cuộc họp báo vào đầu tháng 10 cho biết "Nếu chúng ta nhìn vào quy mô dân số Việt Nam, thì quy mô này nhỏ hơn 14 lần so với quy mô dân số tại Trung Quốc. Điều này nghĩa là nguy cơ về thiếu hụt lao động cao hơn rất nhiều khi so sánh giữa hai quốc gia".

Tóm lại, quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với quy mô của Trung Quốc, vốn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính điều này đã hạn chế khả năng Việt Nam thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

 

2. Nhân nhượng với Mỹ trong lĩnh vực thương mại là một trò chơi mạo hiểm. (Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, 31/10) 

Trung Quốc là đối tác thương mại thứ 6 đàm phán với Mỹ trong vòng hơn hai năm qua và một thỏa thuận với Trung Quốc khiến Tổng thống Trump phần nào tạm ngừng việc leo thang chiến tranh thương mại. Đánh giá về 5 thỏa thuận thương mại mà Mỹ đã đạt được với các đối tác thương mại lớn gồm Hàn Quốc, Canada và Mexico, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản, có ý kiến cho rằng không có thỏa thuận nào trong số này là hoàn hảo và một số trong đó còn vi phạm các quy tắc của WTO. Các thỏa thuận đạt được đều giống như dàn xếp tạm thời chứ không mang tính bền vững.

Các thỏa thuận này có 3 điểm chung: (i) Các quốc gia có nhiều nhượng bộ cho Mỹ; (ii) Có vẻ như không có thoả thuận nào mang tính bền vững, thay vào đó những thoả thuận này chỉ được coi như các thoả thuận "đình chiến" với Hoa Kỳ; (iii) Các thỏa thuận dù không góp phần củng cố sự ổn định và phát triển cho hệ thống thương mại toàn cầu nhưng đều đáp ứng được mục đích chính trị của các bên. 

Ba đặc điểm trên có thể được nhận thấy thông qua các thoả thuận thương mại đã ký kết. Việc Hàn Quốc chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu thép, một quy định đã được áp dụng từ những năm 1980 và gần đây chấp nhận không tự nhận là nước đang phát triển không mang lại nhiều khác biệt trong mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, cả Mexico và Canada chấp nhận ký lại thỏa thuận với một vài sửa đổi nhỏ so với Hiệp định NAFTA cũ. Nhật Bản phớt lờ các quy tắc thương mại quốc tế đồng ý cấp hạn ngạch xuất khẩu hàng nông sản cho Mỹ để tránh các biện pháp thuế quan nhằm vào sản phẩm ô tô của nước này. EU đang đàm phán một hiệp định thuế trong đó loại trừ nông sản và xe ô tô, thỏa thuận này nếu được thông qua sẽ vi phạm quy định của WTO.  Chính vì những đặc điểm nêu trên, bất cứ thỏa thuận nào trong số này cũng có thể bị phá vỡ. 

Chỉ còn hơn một năm nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, vì thế, cả 6 đối tác lớn có lẽ phần nào ý thức được việc ký kết một thoả thuận "đình chiến" tạm thời có lẽ còn thiết thực hơn việc đối đầu trực tiếp với Chính quyền Tổng thống Trump./.

 


 


Tin liên quan
QUY TRÌNH THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI TIỀN GIANG?    10/11/2022
Đông Nam Á cân nhắc về ngoại hối dự trữ để tránh phụ thuộc vào một ngoại tệ duy nhất    17/06/2022
Vietjet khai trương đường bay thẳng đầu tiên và duy nhất từ Mumbai đến Việt Nam    17/06/2022
Việt Nam có phải là mối lo về thị phần sản xuất đối với Trung Quốc?    17/06/2022
Việt Nam cần tính toán chiến lược cạnh tranh trong thu hút FDI thay cho lao động giá rẻ    17/06/2022
Nhiều công ty Châu Âu chọn Việt Nam hơn Trung Quốc    17/06/2022
Ủy hội sông Mê Công công bố công nghệ giám sát chất lượng nước sông Mê Công và sự di cư của cá    17/06/2022
Nghị quyết về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tân Phú Đông đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030    17/06/2022
Tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về biển, đảo Việt Nam "Tổ quốc bên bờ sóng" năm 2022    17/06/2022
Xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng kỷ lục nhờ EVFTA    10/06/2022

Liên kết Liên kết