
























Nghiệp vụ ngoại giao
Bản tin Ngoại giao kinh tế (Thứ Ba, ngày 16/3/2021)
VỤ TỔNG HỢP KINH TẾ
-----------
BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ
(Thứ Ba, ngày 16/3/2021)
***
Tin vắn:
- OECD điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021.
- Giới phân tích cảnh báo nguy cơ bùng nổ "bong bóng" tài sản trên toàn cầu.
- Mỹ chính thức thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.
- OECD dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.
- Trung Quốc rút dần kích thích kinh tế sau dịch.
- EU gửi thư thông báo kiện Anh vi phạm Nghị định thư Bắc Ailen.
- Khoảng 64,8% doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- kinh tế Hàn Quốc được dự báo đứng thứ 10 trên thế giới năm 2020.
- Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030.
Bài phân tích/Tin chuyên sâu:
Người tiêu dùng trên thế giới có sẵn sàng chi tiêu tiền mặt nhàn rỗi hậu Covid-19?
A. KINH TẾ THẾ GIỚI
- Theo báo cáo kinh tế sơ bộ công bố ngày 9/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6%, cao hơn mức 4,3% OECD đưa ra hồi tháng 11/2020. Báo cáo của OECD cho rằng, tốc độ tiêm vắc xin nhanh hơn dự kiến, tốc độ lây lan Covid-19 có dấu hiệu giảm là các nguyên nhân chính để ta có cách nhìn lạc quan hơn về tăng trưởng KTTG. Mỹ dự báo tăng trưởng 6,5%, sẽ là động lực tăng trưởng của thế giới, Trung Quốc khoảng 7,8%, Nhật Bản 2,7%, Hàn Quốc 3,3%. WSJ thông tin, dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế, gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ sắp được thông qua, khiến giá trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhanh. WSJ cũng cảnh báo, điều này có thể khiến kinh tế Mỹ sẽ "hút" dòng vốn đầu tư toàn cầu, đặc biệt là từ các nước đang phát triển. (OECD, WSJ, 9-10/3)
- Giới đầu tư và phân tích đang bắt đầu chú ý tới những dấu hiệu của bong bóng tài sản khi các chính phủ và ngân hàng trung ương khắp thế giới liên tục tung ra những biện pháp kích thích tài khóa cũng như nới lỏng tiền tệ chưa từng có để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19. Giới phân tích đã ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy các thị trường tài sản đang tăng trưởng "nóng" hơn nhiều so với những bong bóng tài sản từng xảy ra trước đây. Phân tích 5 chỉ số được dùng để xác định bong bóng tài sản của Nikkei cho thấy 3 chỉ số đang ở mức đặc biệt cao. Khi rủi ro bong bóng tài sản ngày càng tăng, các chính phủ và ngân hàng trung ương phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Do các gói kích thích tài khoán, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ đã tăng lên 1,29 trong năm 2020, tăng từ mức 1,08 của năm trước đó. Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cũng ghi nhận tỷ lệ này ở mức cao kỷ lục. Giới phân tích nhận định nếu các chính phủ và ngân hàng trung ương không có chiến lược cụ thể để dừng các gói kích thích tài khóa và tiền tệ hiện tại, gánh nặng lên vai các thế hệ tương lai sẽ ngày càng lớn. (Nikkei Asia, VnEconomy, 08/3)
1. Mỹ
- Hạ viện Mỹ ngày 10/3 đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, hay còn gọi là dự luật về Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (American Rescue Plan Act) với tỉ lệ 220/211 và được Tổng thống Biden ký thành luật vào ngày 11/3. Đảng Cộng hòa chỉ trích đồng thời bày tỏ lo ngại với việc nền kinh tế đang trên đà phục hồi thì quy mô của dự luật là quá lớn và làm leo thang rủi ro tài chính. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, dự luật sẽ làm tăng thâm hụt thêm 1,16 nghìn tỷ USD trong năm nay và 528,5 tỷ USD vào năm 2022. Gói kích thích lần này được cho là nhắm mục tiêu đến những người Mỹ có thu nhập thấp nhất, gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho hầu hết người Mỹ, 360 tỷ USD cho các chính quyền bang, địa phương và 130 tỷ USD cho các trường học, 49 tỷ USD để mở rộng xét nghiệm, truy vết và nghiên cứu Covid-19, 14 tỷ USD để phân phối vắc xin. Đây được coi là thắng lợi chính trị lớn đối với tân tổng thống Biden, thể hiện ảnh hưởng của ông đối với Đảng Dân chủ. (ĐSQ VN tại Mỹ, Bloomberg, AFP, VnExpress 11-13/3).
- Theo đánh giá của OECD, dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, tăng mạnh so với dự báo 3,2% vào tháng 12/2020. Sự gia tăng này sẽ giúp tạo đủ động lực để nâng sản lượng toàn cầu lên 5,6%, sau khi giảm 3,4% vào năm 2020. Chuyên gia kinh tế tại OECD Laurence Boone nhận định việc Mỹ cung cấp và phân phối vắc-xin ổn định, cùng với việc mở cửa trở lại nền kinh tế và gói kích thích tài chính trị giá 1,9 nghìn tỷ USD khả năng sẽ "thúc đẩy đáng kể sự phục hồi khi mọi người có thể quay trở lại mua sắm, ăn uống và đi du lịch". Hiện có hơn 60 triệu người dân ở Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin Covid-19. (NY Times, ĐSQ VN tại Mỹ, 09/3)
- Theo số liệu của Cơ quan an ninh hàng không Mỹ, số lượng người Mỹ di chuyển bằng đường hàng không đã tăng trở lại, vượt mốc 1 triệu lượt khách/ngày trong tuần vừa qua, cho thấy việc tiêm vắc xin đã giúp người dân yên tâm hơn trong đi lại. Số liệu này vẫn thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng cao hơn mức cùng kỳ của năm 2020. (CNBC, 16/3)
2. Trung Quốc
- Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm tăng trưởng nhanh chóng, vượt qua dự báo, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cũng trong giai đoạn tháng 1 và tháng 2 năm nay, doanh số bán lẻ tăng 33,8% và đầu tư tài sản cố định tăng đến 35%. Việc Trung Quốc có khả năng kiểm soát tốt bệnh dịch so với các nền kinh tế lớn khác đã giúp nước này hồi phục nhanh chóng nhờ vào sản lượng xuất khẩu đột biến, nhu cầu bị dồn nén và các gói kích thích của chính phủ. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021, được đánh giá là khá khiêm tốn so với dự báo của các nhà phân tích dự báo nước này có thể tăng trưởng đến 8% trong năm nay. (Asia Nikkei, 15/03)
- Khác với Mỹ và châu Âu đang tiếp tục bơm tiền, Trung Quốc nay dẫn đầu toàn cầu trong việc nới lỏng các nỗ lực kích thích kinh tế, cho thấy Trung Quốc sớm đối mặt với thách thức mà các nền kinh tế khác sẽ phải gặp trong những năm tới, khi đã phục hồi, đó là làm thế nào để rút lại các biện pháp kích thích mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng hoặc gây ra bất ổn thị trường. Các nhà kinh tế cho biết nước này đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 ở mức "trên 6%", tỷ lệ tương đối thấp dựa trên đà phát triển hiện tại và là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn linh hoạt rút lại các biện pháp kích thích. Trung Quốc cũng đã hạ mục tiêu thâm hụt tài khóa xuống còn 3,2% GDP trong năm nay, từ mức 3,6% năm 2020; cắt giảm hạn ngạch đối với trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương xuống còn khoảng 560 tỷ USD, giảm từ 576 tỷ USD vào năm ngoái. "Rõ ràng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có ý định nới lỏng kích thích và thắt chặt chính sách, nhưng họ tiến tới một cách thận trọng", Ding Shuang, Nhà kinh tế trưởng thị trường đại lục của Standard Chartered, đánh giá. (WSJ, 15/3)
3. Châu Âu
- Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong thời gian tới. Trong một báo cáo gửi Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục đạt 20% thị phần bán dẫn toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung bán dẫn. Hiện tại, bán dẫn có nguồn gốc EU chiếm khoảng 10% sản lượng bán dẫn toàn cầu. (CNBC, 10/3)
- Ngày 8/3, EU và Mỹ đã công bố một thỏa thuận về cách EU và Anh sẽ phân bổ các hạn ngạch thuế quan (tariff-rate quotas - TRQ) hậu Brexit để đảm bảo "sự chắc chắn cho các nhà sản xuất Mỹ". Trong giai đoạn Anh rời EU, Mỹ cùng nhiều nước đã chỉ trích cả EU và Anh tại WTO, Mỹ cho rằng việc EU đề xuất các thay đổi về cam kết TRQ sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của Mỹ. Thỏa thuận sẽ được ký kết và thực hiện sau khi Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU thông qua. Thành viên Ủy ban Nông nghiệp EU Janusz Wojciejowski bày tỏ vui mừng việc thỏa thuận được thực hiện trong khuôn khổ WTO nhằm giữ nguyên khối lượng TRQ ban đầu, song có chia sẻ giữa EU và Anh, đánh dấu tầm quan trọng của quan hệ kinh tế Mỹ-EU và cam kết của hai bên trong hợp tác cả song phương và trong khuôn khổ WTO. (ĐSQ VN tại Mỹ, 09/3)
- EU ngày 15/3 gửi thư thông báo chính thức nhằm khởi động "quy trình khởi kiện vi phạm" nhằm vào Anh, có thể dẫn đến những khoản phạt tài chính tại Tòa án Công lý châu Âu. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách quan hệ với Anh Maros Sefcovic cũng gửi thư cho người đồng cấp Anh David Frost nhằm kêu gọi London không vi phạm thỏa thuận Brexit và đề xuất đối thoại. Các động thái trên được áp dụng sau khi chính phủ Anh hôm 3/3 thông báo gia hạn hoãn kiểm tra hải quan với thực phẩm tới Bắc Ireland. EU cáo buộc Anh vi phạm thỏa thuận song phương về Brexit và đơn phương thay đổi Nghị định thư Bắc Ailen Nghị định thư Bắc Ailen được Anh và EU ký năm ngoái, trong đó EU cử nhân viên hải quan tới Bắc Ailen, làm việc tại các cảng giữa vùng này và phần còn lại của lục địa Anh, kiểm tra hàng hóa đi qua cảng để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU khi vào Bắc Ireland (Reuters, 15/3)
4. Nhật Bản và Hàn Quốc
- Nhật Bản: (i) GDP thực tế của Nhật Bản trong tháng 01/2021 đã giảm 0,8% (còn 4,89 nghìn tỷ USD) so với tháng trước đó theo số liệu thống kê của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản JCER, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Nguyên nhân là do tình trạng khẩn cấp về Covid-19 được Chính phủ tuyên bố trong nửa cuối tháng 1 đã dẫn đến giảm cầu về dịch vụ (Asia Nikkei, 11/03); (ii) Theo một cuộc khảo sát gần đây của JETRO, khoảng 64,8% các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại nước ngoài cho biết họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Và khoảng 70% doanh nghiệp đang cân nhắc về chiến lược kinh doanh tại nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh các rủi ro toàn cầu, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc cũng gia tăng lo lắng cho các doanh nghiệp này (Kyodo, 14/3).
- Hàn Quốc: (i) Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo đứng thứ 10 trên thế giới năm 2020, tăng 2 bậc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo số liệu của OECD, GDP danh nghĩa của nền kinh tế lớn thứ tư tại Châu Á đạt 1,62 nghìn tỷ USD năm 2020, cao hơn so với Nga (1,40 nghìn tỷ USD), Brazil (1,39 nghìn tỷ USD) và Úc (1,33 nghìn tỷ USD). Nền kinh tế nước này chỉ giảm 1% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch, đây là kết quả tốt thứ 3 trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ (Yonhap, 15/03); (ii) Đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc năm 2020 đã giảm lần đầu tiên trong 6 năm kể từ năm 2014. Theo số liệu của Bộ Kinh tế và Tài chính nước này, lượng đầu tư ra nước ngoài của các công ty Hàn Quốc năm 2020 đạt 54,9 tỷ USD, giảm 14,6% so với năm 2019. Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm giảm đến 31,3% còn 17,5 tỷ USD, và đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giảm 31,2% còn 12,9 tỷ USD (Yonhap, 15/03).
5. ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
- Theo Ngân hàng Trung ương Philippines ngày 10/3, đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng năm 2020 giảm 24,6% so với năm trước liền kề, xuống còn 6,5 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 3 giảm liên tiếp. Chủ tịch Hạ viện Allan Velasco, đồng minh của Tổng thống Duterte, đã đề xuất sửa đổi , bổ sung mộtt số điều khoản miễn trừ nhằm tạo linh hoạt, giảm thiểu quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài trong Hiến pháp nước này. Dự kiến đề suất sẽ được chấp thuận vào cuối tháng 5/2021 (Nikkei Asian Review, 11/3).
- Theo dữ liệu của Hiệp hội Tổ chức tài chính vi mô Campuchia (CMA), trong giai đoạn 3/2020-2/2021, số lượng đơn xin tái cơ cấu tín dụng là 307,875, tỷ lệ hồ sơ xin tái cơ cấu đã được duyệt đạt hơn 94% kể từ khi Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) ban hành Chỉ thị về tái cơ cấu khoản vay hồi tháng 3/2020 nhằm duy trì sự bình ổn tài chính, hỗ trợ hoạt động kinh tế và xoa dịu gánh nặng cho những khách hàng vay đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu do đại dịch Covid-19 gây ra (Phnompenh Post, 3/3).
- Bộ trưởng Y tế Thái Lan ngày 8/3 cho biết, từ tháng 4/2021, nước này dự định giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày cho đối tượng là du khách nước ngoài đã được tiêm phòng vắc-xin chống virus Corona nhằm khôi phục ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 (Reuters, 8/3).
- Ấn Độ: (i) Theo OECD, Tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 12,6% trong năm tài chính 2021, dự kiện tăng trưởng trở lại bắt đầu từ tháng 4. GDP 3 tháng cuối năm 2020 tăng 0,4%, chấm dứt suy thoái kinh tế. Tính chung cả năm 2020, nền kinh tế Ấn Độ giảm khoảng 7% (OECD, ); (ii) Theo Icra ngày 15/3, lĩnh vực sân bay nội địa Ấn Độ dự kiến sẽ lỗ ròng 54 tỷ Rupees (tương đương khoảng 744 triệu USD) trong năm tài chính 2021 dưới ảnh hưởng từ lưu lượng hành khách giảm 66% so với cùng kỳ năm trước do hạn chế đi lại bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, Tuy nhiên, ngành công nghiệp này được dự báo sẽ phục hồi 1,9 tỷ Rs với lưu lượng tăng trưởng 130% trong năm tài khóa tới (India Economic Times, 15/3).
B. KINH TẾ VIỆT NAM
- Theo bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 3/2021, Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu sang EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm. Kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tư tương tự như xu hướng nhập khẩu tháng 1/2021. Vào tháng 1/2021 nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước. Theo WB, "điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào đầu vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như việc đa dạng hóa thương mại tiếp tục diễn ra do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết". (vtv.vn, 15/3)
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70% trên tổng số hợp tác xã cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. (vneconomy, 15/3)
- Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã có thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ để gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép nhập khẩu. Trước đó, ngày 1/2/2019, EC đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với 26/28 nhóm sản phẩm thép bị điều tra trong 3 năm, kết thúc vào ngày 31/6/2021. Việc rà soát bao gồm đánh giá sự cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng; xem xét, đánh giá hoạt động của ngành sản xuất trong nước; việc gia hạn biện pháp có tác động tới lợi ích công chúng EU không. Theo Cục Phòng thương mại, trong số các sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang EU, có 4 nhóm sản phẩm đang bị áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan bao gồm nhóm 2 (thép tấm cán nguội), nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng), nhóm 9 (thép tấm không gỉ), nhóm 24 (ống thép đúc). (vietnamplus.vn, 14/3)
C. BÀI PHÂN TÍCH/TIN CHUYÊN SÂU
Người tiêu dùng trên thế giới có sẵn sàng chi tiêu tiền mặt nhàn rỗi hậu Covid-19? (The Economist, 09/3)
Các chính phủ ngày nay đang dần nới lỏng việc phong tỏa vì vắc-xin đã giúp giảm số ca nhập viện và tử vong do Covid-19. Sự chú ý đang hướng sang vấn đề hồi phục của nền kinh tế. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu các quốc gia giàu có có tạo được "cú hích" trong chi tiêu giống như thời kỳ sau thế chiến thứ hai không.
Theo dữ liệu thu thập được về tiết kiệm cá nhân - chênh lệch giữa thu nhập sau thuế và chi tiêu của người tiêu dùng cho 21 quốc gia giàu có. Nếu đại dịch không xảy ra, các hộ gia đình sẽ tích lũy khoảng 3 triệu USD trong chín tháng đầu năm 2020. Trên thực tế, con số tích lũy lên đến 6 triệu USD. Điều đó có nghĩa là "tiết kiệm vượt mức" khoảng 3 triệu USD - chiếm khoảng một phần mười chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng ở các quốc gia đó. Ở Mỹ, khoản tiết kiệm vượt mức có thể sớm vượt quá 10% GDP, một phần là do kế hoạch kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Các hộ gia đình thường không tiết kiệm ở quy mô như vậy trong thời kỳ suy thoái. Thu nhập của họ thường giảm do lương bị cắt hoặc mất việc làm. Tuy nhiên, các chính phủ ở các nước giàu có đã chi 5% tổng GDP cho các chương trình sa thải tạm thời, trợ cấp thất nghiệp và kích thích kinh tế trong thời gian xảy ra đại dịch. Do đó, thu nhập của các hộ gia đình đã thực sự tăng lên trong năm qua. Đồng thời, việc phong tỏa đã hạn chế các cơ hội để chi tiêu.
Người tiêu dùng sẽ làm gì với tiền mặt? Nếu họ dồn hết chi tiêu trong một lần, thì tăng trưởng GDP ở các nước giàu có thể sẽ vượt qua con số 10% vào năm 2021 - một con số đáng lo ngại mà rất có thể sẽ tạo ra lạm phát. Mặt khác, các hộ gia đình không thể tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình khi biết rằng tiền thuế của họ cuối cùng sẽ phải tăng lên để bù đắp cho các gói kích thích khổng lồ. Nghiên cứu của ngân hàng JPMorgan Chase cho thấy rằng ở nhiều nước giàu có, tiêu dùng sẽ sớm phục hồi trở lại gần mức trước đại dịch, thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu. Goldman Sachs tính toán rằng ở Mỹ, việc chi tiêu tiết kiệm vượt mức sẽ đóng góp thêm hai điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn. Ngày 9 tháng 3, OECD đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của nhóm các nước G20 lên 6,2% vào năm 2021, cho rằng tiết kiệm hộ gia đình đại diện cho "nhu cầu bị dồn nén".
Tuy nhiên, những tính toán trên là không chắc chắn, và không chỉ bởi có rất ít tiền lệ như thế chiến thứ hai. Hai yếu tố quan trọng cần cân nhắc đó là: số lượng tiền mặt tích lũy được phân bổ như thế nào trong các hộ gia đình; và liệu mọi người coi khoản tiền đó là thu nhập hay của cải.
Thứ nhất, xét đến yếu tố phân bổ, có vẻ như ở tất cả các nước giàu, những người giàu hơn đã tích lũy phần lớn số tiền tiết kiệm dư thừa. Họ là người ít có khả năng bị mất việc nhất. Phần lớn chi tiêu của họ được sử dụng một cách tuỳ ý, chẳng hạn như vào các ngày lễ hoặc đi ăn ngoài; và nhiều dịch vụ trong số này đã bị đóng cửa trong đại dịch. Một lượng lớn tiền tiết kiệm trong tay người giàu hạn chế khả năng xảy ra tình trạng gia tăng chi tiêu đột biến hậu phong tỏa bởi bằng chứng cho thấy, họ có xu hướng chi tiêu thấp hơn những gì họ kiếm được. Tuy nhiên, những người có thu nhập thấp sẽ không có bất kỳ khoản tiết kiệm dư thừa nào để chi tiêu, ngay cả khi phong tỏa kết thúc. Trong thời gian đại dịch, một phần tư số hộ gia đình nghèo nhất ở châu Âu chỉ có một nửa khả năng gia tăng tiết kiệm so với nhóm giàu nhất. Bên cạnh đó, các gói kích thích tài chính của Mỹ hào phóng một cách bất thường. Việc bổ sung tiền trợ cấp thất nghiệp đã đảm bảo rằng nhiều người bị mất việc làm đã kiếm được nhiều tiền hơn từ nhà nước so với công việc trước đó của họ. Kết quả là những người Mỹ có thu nhập thấp có thể đã tiết kiệm được nhiều hơn những người giàu có, xét trên thu nhập của họ. Một nửa nhóm nghèo nhất đã chứng kiến giá trị tài sản lưu động của họ tăng 11% trong năm qua, gần gấp đôi mức tăng của nhóm giàu nhất. Những người có thu nhập thấp và trung bình có nhiều khả năng chi tiêu nhiều hơn khi nền kinh tế mở cửa trở lại, từ đó thúc đẩy sự phục hồi.
Thứ hai là việc các hộ gia đình coi tiền mặt nhàn rỗi của họ là thu nhập hay của cải. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các hộ gia đình có xu hướng tăng chi tiêu khi được tăng thu nhập (ví dụ như khi được tăng lương), hơn là khi tài sản của họ tăng (ví dụ giá trị ngôi nhà của họ tăng lên). Các hộ gia đình đã tích lũy khoản tiết kiệm vượt mức theo nhiều cách khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Tại Anh và châu Âu, người tiêu dùng đã chi tiêu ít hơn bởi họ không coi đây là "thu nhập bổ sung". Ngược lại, ở Mỹ và Nhật Bản, tiết kiệm vượt mức là kết quả của thu nhập cao hơn do các gói kích thích, chứ không phải cắt giảm chi tiêu. Trong tình huống đó, tiết kiệm vượt mức "có thể được hiểu một cách hợp lý hơn là "thu nhập bổ sung" - yếu tố giúp người tiêu dùng có thể hạnh phúc hơn khi chi tiêu.
Và điều đó cho thấy một sự tương phản nổi bật so với thời kỳ bùng nổ chi tiêu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, sự phục hồi của Mỹ đã đủ ấn tượng, nhưng Châu Âu còn làm được nhiều hơn thế, với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 50% trong suốt những năm 1950.Tuy nhiên, thời điểm này sẽ khác. Theo nhiều nhà kinh tế học, khi đại dịch chấm dứt, sẽ chỉ có thể là Mỹ - nơi có nhiều biện pháp kích thích hơn và nơi người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn sẽ tạo ra cú hích tăng trưởng kinh tế nhờ bùng nổ tiêu dùng, và khiến các nước còn lại trở nên thụt lùi./.