
























Nghiệp vụ ngoại giao
BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ (Thứ Ba, ngày 29/10/2019)
VỤ TỔNG HỢP KINH TẾ
-----------
BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ
(Thứ Ba, ngày 29/10/2019)
***
Tin vắn
- IMF cảnh báo các doanh nghiệp toàn cầu gặp khó khăn trong trả nợ;
- Mỹ - Trung nỗ lực đàm phán thoả thuận thương mại, có thể ký tại Hội nghị APEC;
- Đồng NDT tiếp tục mất giá, có thể đạt mức 7,20 NDT/USD trong tháng 11;
- Hồng Công đối mặt với nguy cơ tăng trưởng âm trong năm 2019;
- Trung Quốc tiếp tục lọt vào top 10 nền kinh tế toàn cầu có sự cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh;
- Bang Victoria (Australia) ký hiệp định khung trong khuôn khổ BRI;
- EU đồng ý gia hạn Brexit đến cuối tháng 1 năm 2020;
- Bộ Tài chính dự báo Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,8% giai đoạn 2020-2022;
- Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số tôn màu có xuất xứ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bài phân tích/Tin chuyên sâu
- Brazil có thể sẽ thay thế Việt Nam trở thành nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới.
A. KINH TẾ THẾ GIỚI:
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc công bố lãi suất thấp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng trung ương ở cả các nước phát triển và đang phát triển, có tác dụng phụ là khuyến khích các công ty tiếp tục vay mặc dù gặp khó khăn trong trả nợ nếu kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái. IMF cho biết, gần 40% nợ doanh nghiệp ở tám quốc gia đứng đầu (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha) sẽ không thể trả nếu nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái mới. IMF lưu ý "các doanh nghiệp của tám nền kinh tế lớn đang gánh nhiều nợ hơn và khả năng trả nợ đang giảm dần. Chúng ta đang đối mặt với tác động tiềm tàng của suy thoái kinh tế sản xuất – dù quy mô chỉ bằng một nửa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Nợ của các công ty không có khả năng trả, hay rủi ro nợ doanh nghiệp, có thể đạt tới 19 ngàn tỷ USD, chiếm gần 40% tổng số nợ doanh nghiệp tại các nền kinh tế IMF theo dõi." (ĐSQVN tại Israel, 22/10)
- Theo thông tin từ đại diện thương mại của Mỹ và Trung Quốc, sau cuộc điện đàm cấp cao ngày 25/10, quan chức hai nước đang tiến dần tới việc hoàn thiện một số mục trong điều khoản thương mại. Hiện Bắc Kinh và Washington đang nỗ lực đàm phán, hoàn thiện thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 11/10. Tổng thống Trump hy vọng sẽ ký thỏa thuận trên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới tại Chile nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh sau khi đón nhận thông tin này cùng với các đồn đoán FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. (Reuters, CNBC, 25-28/11)
1. Mỹ:
- Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs, Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản tại thêm 0,25 điểm cơ bản tại cuộc họp thường kỳ diễn ra trong hai ngày 29-30/10. Đồng thời, Goldman Sachs nhận định, động thái này sẽ mang đến những sự điều chỉnh báo hiệu rằng chu kỳ nới lỏng chính sách hiện tại có thể sắp chấm dứt. (CNBC, 25/10)
- Ngày 27/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang muốn có một thoả thuận với Tập đoàn dầu khí ExxonMobil hoặc một công ty dầu khí khác nhằm tiến hành các hoạt động dầu khí tại Syria. Tổng thống Trump nhận định các giếng dầu tại Syria là vấn đề ưu tiên liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ, vì thế, ông cam kết sẽ triển khai quân đội tới khu vực này để bảo vệ lợi ích quốc gia khỏi mối đe doạ từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS. (CNBC, 27/10)
- Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Wilson Center ngày 24/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng, nước này đang không tìm cách tách rời Trung Quốc, dù thừa nhận rất nhiều thách thức mà Mỹ gặp phải trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Đồng thời ông cũng khẳng định, Mỹ cũng không kiềm chế sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. (CNBC, 24/10)
- Tại buổi họp báo chiều ngày 22/10, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành chính thành lập Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống. Nhiệm vụ Hội đồng là kiến nghị và tham mưu Tổng thống về chính sách và biện pháp để tăng cường vai trò dẫn đầu của Nước Mỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, xây dựng nguồn lực của đất nước trong tương lai và hỗ trợ các nghiên cứu và phát triển khoa học cơ bản trên toàn nước Mỹ. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang gặp nhiều thách thức về cạnh tranh công nghệ từ Trung Quốc và một số nước phát triển khác, đặc biệt về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. (ĐSQVN tại Hoa Kỳ, 22/10)
2. Trung Quốc:
- Goldman Sachs dự báo đồng NDT có thể tiếp tục sụt giảm so với đồng USD trong tháng 11, và đạt mức quy đổi lên tới 7,20 NDT/USD. Hiện Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn giám sát chặt chẽ đồng NDT, tuy nhiên việc đồng NDT đã vượt mức quy đổi 7 NDT/USD hồi tháng 8/2019 khiến các nhà phân tích tin tưởng rằng Trung Quốc vẫn đang giữ đồng NDT "mất giá" để hỗ trợ xuất khẩu. (CNBC, 26/10)
- Theo "Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020" được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 23/10, Trung Quốc đã tăng 15 bậc lên vị trí thứ 31 trong bảng xếp hạng và đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc lọt vào top 10 nền kinh tế toàn cầu có sự cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh. Báo cáo chỉ ra, tính đến ngày 1/5/2019, trong 12 tháng qua, Trung Quốc đã thực hiện 8 hạng mục cải cách môi trường kinh doanh, được 77,9 điểm trên thang điểm 100. Đặc biệt, quy trình làm tục giấy phép thi công tại Trung Quốc có sự cải thiện rõ rệt, chỉ mất 111 ngày, tốt hơn mức bình quân 132 ngày tại khu vực Đông Á. (CCTV, ĐSQVN tại Trung Quốc, 25/10)
- Giám đốc Tài chính Hồng Công cho biết thành phố Hồng Công đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2019 do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các cuộc biểu tình kéo dài trong 4 tháng qua. Ông cho biết, chính quyền Hồng Công sẽ tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ hoạt động du lịch, thương mại và lĩnh vực bán lẻ với gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD. Các biện pháp này bao gồm trợ giá nhiên liệu cho taxi và các phương tiện thương mại. Lượng du khách tại Hồng Công đã giảm 39% trong tháng 8 và tháng 9 so với cùng kỳ 2018; doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ cũng sụt giảm 25,3% trong tháng 8. (SCMP, 27/10)
- Theo nguồn thạo tin, Trung Quốc cung cấp hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu 10 triệu tấn đậu tương Mỹ cho các công ty chế biến đậu tương lớn của Trung Quốc và nước ngoài. Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Trung Quốc đồng ý mua tới 50 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm. Dù vậy, trong các tuần sau đó, Trung Quốc lại mua tới 480 nghìn tấn (trị giá 173 triệu USD) đậu tương Brazil. Trung Quốc không hề đặt hàng từ Mỹ, nguồn tin trên cho biết. (ĐSQVN tại Trung Quốc, 23/10)
- Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cùng Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cải cách và phát triển của Trung Quốc (NDRC) đã ký hiệp định khung tăng cường hợp tác thông qua sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI), tập trung vào các vấn đề hạ tầng, phát triển sáng kiến, thương mại và tiếp cận thị trường. Một số Bộ trưởng trong Chính phủ Liên bang lên tiếng chỉ trích, lo ngại bang Victoria sẽ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng Thủ hiến Andrews khẳng định, thỏa thuận này sẽ giúp kinh tế bang tăng trưởng và tạo thêm nhiều công ăn việc làm. (ĐSQVN tại Australia, 25/10)
3. Khu vực châu Âu:
- Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 28/10 cho biết, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất rằng sẽ chấp nhận yêu cầu thay đổi thời hạn Brexit của Anh tới ngày 31/1/2020. Chiều ngày 28/10, dự kiến Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu đề xuất tổ chức tổng tuyển cử ngày 12/12 tới do Chính phủ Anh đề xuất với hi vọng Quốc hội mới sẽ ủng hộ tiến trình Brexit hơn hiện nay. (Bloomberg, 28/10)
- Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker có trụ sở tại London, Anh, mới đây công bố một báo cáo cho thấy, cứ 5 nhà máy điện than trong Liên minh châu Âu (EU) thì có tới 4 nhà máy không tạo ra lợi nhuận và các nhà máy này có thể phải gánh khoản lỗ tổng cộng lên tới gần 6,6 tỷ euro (7,3 tỷ USD) trong năm 2019. Lý do được đưa ra là do nhiệt điện than không thể cạnh tranh về giá với nguồn điện tái tạo và điện khí. (DW, 24/10)
4. Nhật Bản và Hàn Quốc:
- Hàn Quốc: (i) Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 24/10, GDP Quý 3/2019 của Hàn Quốc đạt 394,5 tỷ USD, tăng trưởng 0,4% so với quý trước liền kề, thấp hơn 0,6 điểm % so với mức tăng trưởng 1% của quý 2/2019. (ii) Theo "Báo cáo chỉ số thương mại và điều kiện thương mại tháng 9 năm 2019", sản lượng xuất khẩu trong tháng 9/2019 giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm ở tháng thứ 5 liên tiếp. Nguyên nhân là do giá chíp bán dẫn giảm 38,3% so với tháng trước, sản lượng xuất khẩu màn hình tinh thể lỏng (LCD) cũng giảm do dư thừa nguồn cung khiến giá mặt hàng này giảm theo. Chỉ số xuất khẩu giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 10 tháng liên tiếp (KBS, 25/10); (iii) Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại do Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki chủ trì ngày 25/10, Chính phủ Hàn Quốc quyết định không duy trì vị thế quốc gia đang phát triển tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo đó, Hàn Quốc sẽ không chủ trương hưởng lợi ích từ vị thế quốc gia đang phát triển trong các vòng đàm phán tương lai. Tuy nhiên ở lĩnh vực nhạy cảm là nông nghiệp, nước này sẽ tiếp tục thực thi quyền lợi đàm phán linh hoạt, nhằm bảo hộ tối đa cho lĩnh vực này (Yonhap, 25/10).
5. ASEAN và các nền kinh tế mới nổi:
- Xuất khẩu hàng hóa của Ẩn Độ trong tháng 10 đã giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2018, xuống mức 26 tỷ USD, được cho là do tác động của căng thăng thương mại toàn cầu và sự suy giảm của ngành sản xuất trong nước. Thâm hụt thương mại trong Quý 2 năm tài khóa 2019-2020 đã giảm xuống còn 38 tỷ USD từ mức 46 tỷ USD trong Quý 1. Trong 6 tháng của năm tài khóa này, xuất khẩu đã giảm 2,4% xuống còn 159,6 tỷ USD trong khi nhập khẩu giảm 7% còn 243,3 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Thương mại, trong số 30 mặt hàng chính xuất nhập khẩu của Ẩn Độ, 22 mặt hàng xuất khẩu và 25 mặt hàng nhập khẩu ghi nhận mức tiêu thụ giảm sút. Trong số các mặt hàng nhập khẩu chính, than giảm 24%, xăng dầu giảm 18,3%, hóa chất giảm 16,2%, đá quý giảm 17,3%. (ĐSQVN tại Ấn Độ, 22/10)
- Philippines sẽ giảm nhập khẩu gạo trong năm 2020. Sau khi đạt mức nhập khẩu cao kỷ lục trong năm 2019, Philippines sẽ mua ít gạo hơn trên thị trường thế giới vào năm tới trong bối cảnh nguồn cung quá mức cùng với những cải tiến trong sản xuất địa phương. Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp-Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài (USDA-FAS) của Hoa Kỳ, Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu 2,4 triệu tấn gạo trong năm 2020, thấp hơn 23% so với 3,1 triệu tấn gạo của năm 2019. (ĐSQVN tại Philippines, 25/10)
- Theo Bộ Công Thương Singapore, trong Quý 3/2019, kinh tế Singapore đã tránh được tình trạng suy thoái kỹ thuật nhờ đạt được mức tăng trưởng 0,1%, bằng tốc độ tăng trưởng của Quý 2 năm 2019 (ở mức 0,1% so với cùng kỳ năm 2018). Về mặt lý thuyết, dựa vào các chỉ số tăng trưởng nêu trên, có thể nói nền kinh tế Singapore gần chạm mốc rơi vào suy thoái kỹ thuật - đây là thuật ngữ phản ánh trạng thái của nền kinh tế khi có hai quý liên tục giảm tốc độ tăng trưởng so với quý liền kề trước đó. Nếu căn cứ vào số liệu thống kê đã loại bỏ yếu tố thời vụ so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 0,6%. Mức tăng trưởng này đánh dấu sự đảo chiều đi lên của nền kinh tế từ mức suy giảm 2,7% trong quý 2 năm 2019. Các chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Singapore trong cả năm 2019 sẽ đạt mức 1,2%. (ĐSQVN tại Singapore, 23/10)
B. KINH TẾ VIỆT NAM:
- Theo Báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 70 trên 190 nền kinh tế được đánh giá, giảm 1 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái và là năm thứ 2 liên tiếp tụt hạng, cho dù điểm số tăng từ 68,36 điểm lên 69,8 điểm. Đây cũng là năm thứ hai Việt Nam tăng điểm nhưng giảm hạng. Trong 10 chỉ số được đánh giá năm nay, Việt Nam có 5 chỉ số tăng hạng, bao gồm khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng và nộp thuế, cùng với 4 chỉ số giữ nguyên so với lần xếp hạng trước gồm giao dịch thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, giải quyết tranh chấp hợp đồng và đăng ký sở hữu tài sản). (Thời báo Ngân hàng & Forbes Việt Nam, 24/10)
- Truyền thông nước ngoài nêu bật những thành tựu kinh tế của Việt Nam. Hãng Reuters đưa tin về thành tựu thu hút FDI trong 10 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam, hãng Regnum cũng nêu bật thành tích kinh tế của Việt Nam - như tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng nền kinh tế tốt nhất để đầu tư. Trong khi đó, Bloomberg trích dẫn kết quả và triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhận định Việt Nam đang thực sự đột phá vượt ngưỡng kỳ vọng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh. (TTXVN, 28/10)
- Trong báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, Bộ Tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2022 của Việt Nam sẽ vào khoảng 6,8%; chỉ số giá tính GDP tăng khoảng 3-3,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 6,5-8%/năm. Cụ thể hơn, về thu ngân sách trong 3 năm phấn đấu đạt 4,9 triệu tỷ đồng; chi ngân sách trong 3 năm dự kiến khoảng 5,7 triệu tỷ đồng. Với dự kiến thu và chi ngân sách nêu trên, Bộ Tài chính dự tính bội chi ngân sách năm 2020 sẽ vào khoảng 3,44% GDP, năm 2021 và 2022 khoảng 3,5% GDP. Đáng lưu ý là, chỉ tiêu nợ công cuối năm 2020, 2021 và 2022 dự kiến sẽ ở mức lần lượt 54,3%, năm 53,3% và 52,7% GDP. (VnEconomy, 28/10)
- Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3198/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số tôn màu có xuất xứ từ nước Hàn Quốc và Trung Quốc, có hiệu lực từ 24/10. Theo đó, mức thuế được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 2,53% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,71% đến 19,25%. Quyết định được ban hành trên cơ sở cuộc điều tra khởi xướng từ tháng 10/2018, trong đó kết luận có tồn tại hành vi bán phá giá với biên độ khá cao sản phẩm tôn màu của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc, khiến ngành sản xuất thép phủ màu trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể. (VnEconomy, 26/10)
C. TIN CHUYÊN SÂU / BÀI PHÂN TÍCH
Trong tương lai gần, Brazil có thể sẽ thay thế Việt Nam trở thành nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới. (ĐSQVN tại Pháp, Les Echos, 22/10)
Trong những tháng gần đây, cà phê Robusta của Brazil đang được nhập khẩu số lượng lớn vào châu Âu mặc dù theo thông tin từ sàn giao dịch ICE Europe Futures, cà phê Robusta thường chủ yếu đến từ Việt Nam - nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê cho biết đây là sản lượng lớn nhất của Brazil từ năm 2015. Tỉ giá hối đoái của đồng Real Brazil giảm đã tạo điều kiện các nhà xuất khẩu của Brazil bán cà phê ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhờ có giá thành thấp hơn so với cà phê Robusta của Việt Nam, sản phẩm này của Brazil được người tiêu dùng ưa chuộng.Đây có thể là cách để Brazil đưa cà phê Robusta của họ ra thế giới như cách họ đã làm để với sản phẩm cà phê Arabica. Chỉ tính riêng mùa vụ 2019-2020, sản lượng Robusta của Brazil dự kiến sẽ tăng 75% so với năm 2017. Theo Carlos Mera, chuyên gia phân tích của Rabobank, trong một vài năm tới, người khổng lồ Nam Mỹ này có thể sẽ "phế truất" vị trí số một của Việt Nam nhờ áp dụng các công nghệ mới giúp thúc đẩy sản lượng, trong thời điểm mà cây cà phê của Việt Nam đang bị già đi. Tại Rondônia, phía Tây Brazil, các giống cà phê cây bụi mới được trồng cho năng suất cao hơn các giống cây truyền htoongs. Ngoài ra, giống Robusta tại bang Espirito Santo, phía Đông Nam Brazil, cũng được ưa chuộng hơn giống của Việt Nam nhờ hương thanh tao hơn.Brazil không phải là nước duy nhất có tham vọng đưa cà phê Robusta ra thế giới. Indonesia, nhà sản xuất thứ ba thế giới, cũng có ý định chạy đua cho vị trí dẫn đầu. Hiệp hội xuất khẩu cà phê nước này đang hối thúc người trồng cà phê tăng sản lượng từ 50% đến 60% trong 5 năm tới. Để đạt được điều này, hiệp hội và chính phủ sẽ hỗ trợ nông dân trong việc sử dụng phân bón và cải thiện chất lượng hạt giống. Cà phê Robusta đang dần chiếm lĩnh thị phần của Arabica nhờ giá thành sản xuất thấp và dễ trồng hơn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), việc mở rộng sản xuất cà phê Arabica bị hạn chế do giống này chỉ cho chất lượng tốt khi được trồng ở độ cao ít nhất 1.000 mét so với mực nước biển, kèm theo đó là các điều kiện khắt khe trong khâu vận chuyển và chế biến. Thêm vào đó, Robusta cũng có khả năng chống chịu bệnh tật và nhiệt độ tốt hơn. Và trên hết, thị hiếu của người tiêu dùng đang dần thay đổi trong những năm gần đây, đặc biệt tại thị trường Châu Á.