
























Nghiệp vụ ngoại giao
Mỹ tiếp tục củng cố lập trường của Mike Pompeo về Biển Đông
Một trong những câu hỏi lớn đặt ra đối với chính quyền Biden là liệu chính quyền Biden có thay đổi chính sách đối với vấn đề Biển Đông so với chính quyền Trump không? Câu hỏi dường như trở nên không cần thiết lắm khi chính quyền mới của Mỹ đang củng cố tuyên bố của Mike Pompeo vào tháng 7/2020. Vào tháng 7/2020, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố làm rõ lập trường cơ bản của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông. Cho biết Mỹ gìn giữ hòa bình và ổn định cũng như tăng cường "tự do trên biển" phù hợp với luật quốc tế và ủng hộ thương mại không bị cản trở, bảo vệ lợi ích của các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông. Tuyên bố còn chỉ ra rằng "Quan điểm chân lý thuộc về kẻ mạnh của Trung Quốc không có chỗ đứng trong thế kỷ thứ 21".
Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông. Ảnh: GETTY IMAGES
Với việc Tổng thống Biden lên nắm quyền, trong họp báo ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ quan ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh được sử dụng vũ lực đối với các nước khác. Ngôn ngữ này trong luật của Trung Quốc được coi là mang tính đe dọa và củng cố yêu sách của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng vũ lực.
Trong suốt cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngôn ngữ được sử dụng trong luật hải cảnh cho phép cảnh sát biển Trung Quốc phá hủy cấu trúc kinh tế của các nước khác. Việc này được hiểu là sẽ hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực theo quan điểm của Trung Quốc để thực thi các yêu sách của nước này tại khu vực tranh chấp. Tại họp báo, Mỹ cũng tái khẳng định lập trường được cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra vào ngày 13/7/2020 về các yêu sách biển ở Biển Đông. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington kiên định với cam kết bảo vệ các đồng minh là Nhật Bản và Philippines.
Chính sách của Mỹ về vấn đề Biển Đông đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và lợi ích chiến lược của Mỹ tại khu vực, được thể hiện với việc Mỹ điều một trong những tàu ngầm tiên tiến USS Ohio (tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường) đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Điều này có ý nghĩa rõ ràng rằng không có sự khác biệt nào so với chính sách của cựu Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, và Tổng thống Joe Biden cũng kiên định gây áp lực lên Trung Quốc để buộc nước này từ bỏ việc đe dọa các nước láng giềng đối với yêu sách tại khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Edward Price cho biết : Mỹ nhắc nhở Trung Quốc và tất cả các lực lượng hoạt động ở Biển Đông thực hiện các hành động hàng hải có trách nhiệm, chuyên nghiệp và kiềm chế trong thực thi quyền hạn.
Trên thực tế, các diễn biến trên Biển Đông cũng được thảo luận trong cuộc họp của nhóm Bộ Tứ diễn ra ngày 18/2 giữa ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ và cũng được phản ánh trong cuộc họp giữa tân Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh rằng các đảo Senkaku thuộc phần lãnh thổ có chủ quyền của Nhật Bản nằm trong các nghĩa vụ hiệp ước an ninh của Mỹ.
Sau cuộc điện đàm của nhóm Bộ Tứ, các nước như Australia, Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông. Tháng 1/2020, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông để thúc đẩy tự do trên biển. Australia cũng có lập trường mạnh mẽ sau tranh cãi với Trung Quốc và trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Lloyd J. Austin hồi cuối tháng 1/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Australia tuyên bố rằng Mỹ và Australia sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác liên minh để duy trì an ninh và thực thi trật tự bao trùm và dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Trước đó, Lầu Năm Góc cũng ra tuyên bố duy trì "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế hiện hành sẽ không tồn tại hành vi xấu". Ngay cả Australia cũng tuyên bố rằng các hoạt động "gây rối" của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm phức tạp môi trường an ninh của Australia.
Có thể thấy, Tổng thống Joe Biden đang đi theo đường lối của người tiền nhiệm Donald Trump và đang triển khai các tàu nổi và tàu ngầm đến khu vực tranh chấp. Việc triển khai tàu USS Ohio ở Biển Đông cho thấy Mỹ sẵn sàng có lập trường quyết đoán hơn để bảo vệ đồng minh cũng như duy trì an ninh của Đài Loan. Trong bối cảnh đó, Washington đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCain đến eo biển Đài Loan và chính tàu khu trục này đã đi qua quần đảo Hoàng Sa để thách thức các yêu sách hàng hải trái phép của Trung Quốc. Việc triển khai tàu ngầm thường xuyên hơn chứng tỏ rằng Mỹ muốn kìm hãm khả năng răn đe mà Trung Quốc thường phô diễn bằng cách triển khai tàu ngầm ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc tuyên bố sở hữu khả năng chống hạm và tên lửa diệt tàu sân bay, nhưng không nâng cao khả năng tác chiến chống tàu ngầm. Tàu Ohio của Mỹ có thể mang gần 154 tên lửa hành trình Tô-ma-hốc và những tên lửa hành trình này có thể hoạt động hiệu quả do mỗi tên lửa có thể mang gần 453 kg đầu đạn nổ mạnh.
Khả năng tàng hình của một tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn với sức công phá như vậy là một ẩn số đối với một nước như Trung Quốc. Xét về ưu thế công nghệ, đặc biệt là trong các hoạt động dưới nước và khả năng sát thương, Mỹ vượt xa Trung Quốc. Khả năng chống tàu ngầm của Trung Quốc được phát triển để hoạt động gần bờ biển hơn là hoạt động ở ngoài khơi. Tàu Ohio có lợi thế tàng hình, Trung Quốc sẽ khó phát hiện ngay cả khi ở gần bờ biển. Mỹ được cho là sẽ triển khai nhiều tàu sân bay và tàu ngầm hơn để răn đe và giám sát các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc. Có thể thấy rằng Trung Quốc đang đe dọa Đài Loan một cách quá mức và cũng đang kiểm soát chặt chẽ tuyến đường tiếp cận Đài Loan qua Biển Đông.
Trong những tuần và tháng đầu tiên của chính quyền Biden, có thể thấy rõ ràng nhiều chính sách Trung Quốc của chính quyền Trump sẽ được kế tục. Hải quân Mỹ sẽ tiến hành "hoạt động tự do hàng hải" thường xuyên và vào đầu tháng 2/2021, Hải quân Mỹ cho biết hai tàu sân bay đã hoạt động cùng nhau trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Trong tuần đầu tiên tháng 2, tàu khu trục John S McCain đã đi qua eo biển Đài Loan và tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa. Tân Ngoại trưởng Mỹ đã điện đàm với người đồng cấp ở Việt Nam và Philippines, trong đó khẳng định rằng Mỹ sẽ không thay đổi lập trường về Biển Đông và bác bỏ hoàn toàn các yêu sách thái quá của Trung Quốc về quyền hàng hải. Ông cũng trấn an rằng Mỹ cam kết thực thi trật tự dựa trên luật lệ trong các vùng biển tranh chấp. Tuyên bố được đưa ra sau đó cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken cam kết rằng Mỹ sẽ sát cánh với các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông trước áp lực của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Mỹ là tái trấn an và cứng rắn trong thời gian thử thách này ở Biển Đông./.
Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo