Truy cập nội dung luôn

Nghiệp vụ ngoại giao Nghiệp vụ ngoại giao

Việt Nam có phải là mối lo về thị phần sản xuất đối với Trung Quốc?

 

Theo trang PingWest của Trung Quốc ngày 30/5, Việt Nam gần đây đã "gây sốc" với việc xuất khẩu tháng 3/2022 đạt 34,7 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi xuất khẩu của Thâm Quyến (thành phố xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc) chỉ đạt 18,9 tỷ USD, giảm 14%. Sự tăng trưởng "bùng nổ" của Việt Nam khiến những người chứng kiến quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc bất ngờ. Liệu vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu có phải là mối lo đối với Trung Quốc?

Các sản phẩm "Made in China" phổ biến trên thị trường toàn cầu đến mức Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng của thế giới". Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia nhận ra mối nguy cơ từ việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, muốn mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit, Rajiv Biswas, cho rằng, Việt Nam đang nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất mới của thế giới, khi quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng tiến triển nhanh chóng.

Nhờ chi phí lao động thấp, các chính sách khuyến khích hỗ trợ sản xuất, lợi thế địa lý, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cũng đang nỗ lực biến Việt Nam trở thành lựa chọn đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng cao cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Quý 1/2022, Việt Nam thu hút 4,42 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 7,8% so với quý trước. Những thành tựu này là "bàn đạp" để Việt Nam hướng tới cạnh tranh với các nước trong khu vực về các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao. Trong chuyến thăm Mỹ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các công ty công nghệ "nặng ký" ở Thung lũng Silicon như Apple và Intel, cố gắng "lôi kéo" họ thành lập các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Dù vậy, Trung Quốc không nên quá lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian gần đây. Momentum Works, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, nhận định: "Việt Nam nhiều khả năng trở thành một phần mở rộng trong mạng lưới cung ứng của Trung Quốc hơn là một đối thủ. Với dân số và nền kinh tế nhỏ hơn tỉnh Quảng Đông, Việt Nam khó có thể trở thành chuỗi cung ứng toàn diện như Trung Quốc".

Việc Trung Quốc siết chặt phong tỏa cho thấy các sản phẩm "Made in Việt Nam" gắn bó chặt chẽ với chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Bằng chứng là những nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại một số cửa khẩu biên giới Trung -Việt đã dẫn đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và hạn chế dòng chảy của một số sản phẩm. Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu về thép, bảng mạch, máy móc thiết bị và nguyên liệu cho ngành may mặc và da giày cho Việt Nam. Hãng Bloomberg dẫn lời ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 5/2022 cho biết vấn đề thiếu nguyên liệu đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của tất cả các nhà máy may mặc.

Việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là quá trình đơn giản và đại dịch Covid-19 đã chứng minh Trung Quốc và các nền kinh tế lớn trên thế giới liên kết chặt chẽ và khó có thể tách rời. Bất kỳ sự chuyển đổi thực sự nào cũng có thể mất nhiều năm. Sản xuất, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động, chắc chắn sẽ chuyển đến các thị trường mới nổi khác với chi phí lao động thấp hơn. Trung Quốc phải giải quyết tình trạng mất việc làm do chuyển giao công nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam phải duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng cấp cao để đảm bảo tăng trưởng dài hạn vì các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam tập trung nhiều hơn vào nâng cấp sản xuất./.

 

Sở Ngoại vụ tổng hợp từ các báo


Tin liên quan
QUY TRÌNH THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI TIỀN GIANG?    10/11/2022
Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia và vùng lãnh thổ phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid-19    17/06/2022
Tổng hợp kết quả chuyến thăm Châu Á của bà Wendy Sherman - Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ    17/06/2022
Tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022    17/06/2022
Ngành chế biến – chế tạo Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc    17/06/2022
Đông Nam Á cân nhắc về ngoại hối dự trữ để tránh phụ thuộc vào một ngoại tệ duy nhất    17/06/2022
Vietjet khai trương đường bay thẳng đầu tiên và duy nhất từ Mumbai đến Việt Nam    17/06/2022
Việt Nam có phải là mối lo về thị phần sản xuất đối với Trung Quốc?    17/06/2022
Việt Nam cần tính toán chiến lược cạnh tranh trong thu hút FDI thay cho lao động giá rẻ    17/06/2022
Nhiều công ty Châu Âu chọn Việt Nam hơn Trung Quốc    17/06/2022

Liên kết Liên kết