
























Nghiệp vụ ngoại giao
Việt Nam đứng hàng thứ năm trong khu vực ASEAN về môi trường kinh doanh
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) đã được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào ngày 31/10/2018 vừa qua. Theo đó, so với báo cáo năm 2018, mặc dù đã có một số cải thiện nhất định về môi trường kinh doanh, và vẫn giữ hạng 5 trong các nước ASEAN nhưng Việt Nam đã giảm 01 bậc trong bảng xếp hạng quốc tế.
Báo cáo Môi trường kinh doanh là một trong bốn báo cáo thường niên tiêu biểu của WB nhằm đánh giá các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của các quốc gia trong khoảng thời gian từ 02/6/2017 đến 01/5/2018. Trong đó tập trung đánh giá mức độ thuận lợi kinh doanh của mỗi quốc gia dựa trên các chính sách, quy định và cải cách liên quan đến 11 lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp gồm: (i) thành lập doanh nghiệp; (ii) cấp phép xây dựng; (iii) tiếp cận điện năng; (iv) đăng ký tài sản; (v) tiếp cận tín dụng; (vi) bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ; (vii) nộp thuế; (viii) thương mại quốc tế; (ix) thực thi hợp đồng; (x) giải quyết phá sản; (xi) các quy định về lao động. Dữ liệu về các quy định lao động chỉ mang tính tham khảo và không được đưa vào tính toán chỉ số Thuận lợi kinh doanh (EDBI) trong báo cáo năm 2019. Theo đó, 10 nền kinh tế có chỉ số EDBI 2019 cao nhất lần lượt là: Niu Di-lân, Xinh-ga-po, Đan Mạch, Hồng Công, Hàn Quốc, Gioóc-gi-a, Na Uy, Mỹ, Anh và Mác-xê-đô-ni-a. Các nền kinh tế này đều có điểm chung là tính hiệu quả và chất lượng của các quy định như: yêu cầu bắt buộc về thanh tra trong quá trình xây dựng, tự động khôi phục dịch vụ khi bị cắt điện, các biện pháp bảo vệ chủ nợ trong quá trình giải quyết phá sản và tòa án thương mại chuyên biệt.
Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 đánh giá chỉ số EDBI của Việt Nam tăng 1,59 điểm (đạt 68,36/100 điểm, xếp hạng 69/190 nền kinh tế) nhưng lại tụt 01 hạng so với năm 2018 (xếp hạng 68/190). Trong các chỉ số cấu thành, Việt Nam có 6 chỉ số tăng điểm so với báo cáo năm trước gồm: thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, thực thi hợp đồng, cấp phép xây dựng. Ba chỉ số giữ nguyên điểm gồm: tiếp cận tín dụng, thương mại quốc tế, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ. Một chỉ số giảm điểm: giải quyết phá sản. Điểm số và thứ hạng của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á- Thái Bình Dương. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Xinh-ga-po (hạng 2/190), Ma-lai-xi-a (hạng 15/190), Thái Lan (hạng 27/190), Bru-nây (hạng 55/190). Qua đó cho thấy xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa vững chắc trong khu vực ASEAN khi mà vẫn còn khoảng cách khá lớn so với Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan và khá sát sao với các quốc gia còn lại.
Thực tiễn cho thấy Việt Nam là một trong số các nước trong khu vực có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh mặc dù tốc độ cải thiện còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của WB sẽ là thông tin tham khảo hữu ích, giúp chúng ta nhận diện rõ sự tiến bộ và những điểm yếu cần tiếp tục hoàn thiện để gia tăng sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới./.
Tổng hợp từ các báo