
























Nghiệp vụ đối ngoại
Nghiệp vụ đối ngoại
Việt Nam tiếp tục đề cao hợp tác đa phương tại Hội nghị thượng đỉnh G20
Ngày 21/11, Ả-rập Xê-út đã chính thức khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 trực tuyến, quy tụ 20 nền công nghiệp lớn nhất thế giới. Tình hình đại dịch Covid-19 và việc hỗ trợ cho các nước nghèo nhất bị tác động của dịch bệnh là trọng tâm chính của chương trình nghị sự. Trong kỳ Hội nghị Thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo hy vọng đạt được một sự điều phối tốt nhất cho các kế hoạch chấn hưng kinh tế. Tuy rằng, hơn chục nghìn tỷ USD đã được chi ra để ngăn chặn khủng hoảng toàn cầu, nhưng các nước vẫn thiếu một chiến lược đa phương để thoát khủng hoảng dịch tễ - kinh tế này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến. (Nguồn: baoquocte.vn).
Đáng chú ý, Thượng đỉnh G20 - tuy phải tổ chức trực tuyến do tình hình dịch bệnh - có một tầm quan trọng đặc biệt đối với Ả-rập Xê-út, là quốc gia Ả-rập duy nhất thành viên của khối G20. Đây cũng là lần đầu tiên Ả-rập Xê-út tổ chức một sự kiện quốc tế quan trọng, thế nên, đây còn là một thách thức chính trị và hình ảnh cho đất nước, đặc biệt thường xuyên bị chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức…) và khách mời (Thủ tướng Việt Nam và một số lãnh đạo các nước), cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…
Ngày 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm". Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương để đẩy lùi dịch Covid-19, trong đó đánh giá cao những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19 của các nước G20, nhất là thúc đẩy phối hợp chính sách vĩ mô trong phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã cùng các nước ASEAN và đối tác đề cao tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng", thực hiện mạnh mẽ các biện pháp ứng phó dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, duy trì đà hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.
Để vượt qua đại dịch và phục hồi bền vững, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần chủ động thích ứng trong giai đoạn "bình thường mới", triển khai đồng bộ và hài hoà phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm phòng chống dịch. Về hợp tác y tế, Thủ tướng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vaccine và thuốc đặc trị Covid-19, theo đó đề nghị các nước G20 xây dựng thoả thuận sản xuất vaccine với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vaccine ở quy mô lớn.
Về kinh tế, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế…; ủng hộ hội nhập, tham gia thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm với WTO là trung tâm; đề nghị G20 tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hình thành các khung khổ, thoả thuận, quy tắc toàn cầu trong quản trị nền kinh tế số.
Trước khi Hội nghị thượng đỉnh khai mạc, chủ tịch Liên hiệp Châu Âu và Giám đốc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã viết thư cho Chủ tịch khối G20 hiện tại là quốc vương Salman của Ả-rập Xê-út, nhằm kêu gọi nhóm các nước này bù đắp thêm cho chương trình ACT - Accelerator, còn thiếu hụt đến 4,5 tỷ USD. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng phát biểu: "Từ 9 tháng qua, 10 tỷ USD đã được quyên góp để đầu tư và bào chế các loại vắc-xin, các phương pháp chẩn đoán và trị liệu. Nhưng thế giới vẫn còn thiếu 28 tỷ, trong đó có 4,2 tỷ vào cuối năm nay. Những nguồn quỹ này cần thiết cho việc sản xuất, vận chuyển và cung cấp vắc-xin chống Covid-19. Các nước thuộc khối G20 có đủ phương tiện, và tôi kêu gọi những nước này hỗ trợ cho chương trình ACT-Accelerator".
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất xây dựng một "bức tường lửa toàn cầu" chống lại Covid-19, giảm thuế quan và các rào cản cũng như khai thác nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ để chống lại đại dịch và khôi phục lại nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Ông cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các nước khác về nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19. Ông Tập Cận Bình đề xuất rằng G20 cần đảm bảo sự vận hành trơn tru của nền kinh tế toàn cầu và khôi phục hoạt động an toàn và thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, giảm thuế quan và các rào cản. Ông cho biết Trung Quốc đã tạm hoãn đòi trả khoản nợ trị giá hơn 1,3 tỷ USD, cam kết rằng nước này sẽ tăng cường các biện pháp hoãn và giảm nợ cho các nước đặc biệt khó khăn.
Tổng thống Nga Putin phát biểu, nêu những thách thức, hậu quả mà nhân loại phải đối mặt vào năm 2020 do đại dịch Covid-19; đánh giá cao nỗ lực của Ả-rập Xê-út trên cương vị Chủ tịch G20; ủng hộ việc huy động khẩn cấp 21 tỷ USD cho các nhu cầu y tế khẩn cấp, phát động hợp tác quốc tế trong việc phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin. Ông cũng khẳng định, G20 cần tiếp tục tìm kiếm các cách tiếp cận chung để cải tổ WTO phù hợp với các thách thức hiện đại. Nếu không có một hệ thống thương mại đa phương ổn định và hiệu quả dựa trên các chuẩn mực và nguyên tắc phổ quát thì nhiệm vụ này không thể được giải quyết, và ngày nay không có sự thay thế nào đối với WTO.
Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong đó có việc phân bổ vắc-xin. Thủ tướng Merkel cũng cho rằng để có thể kiểm soát đại dịch, cần phải tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vắc-xin với mức giá phải chăng. Bà kêu gọi củng cố WHO, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đồng thời hỗ trợ thêm cho sáng kiến tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc. Theo bà, số tiền cam kết cho tới nay là chưa đủ cho mục tiêu trên, đồng thời kêu gọi hợp tác đa phương, coi đây là chìa khóa trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Sáng kiến đã huy động được 4,2 tỷ Euro, trong đó Đức đóng góp hơn nửa tỷ Euro, dự kiến cần huy động thêm khoảng 6 tỷ USD cho đến cuối năm 2021.
Bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu nói Hội nghị Thượng đỉnh có thể đánh dấu một khởi đầu mới cho hợp tác toàn cầu, còn Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết Hội nghị Thượng đỉnh sẽ bàn và xây dựng thế giới sau đại dịch. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhận thấy tính cấp thiết của việc giải quyết Covid-19 cũng như biến đổi khí hậu, và các vấn đề toàn cầu khác đồng thời kêu gọi đầu tư vào việc phát triển và phân phối vắc-xin chống lại Covid-19.
Tổng thống Brazil tuyên bố: "Brazil đã tham gia các nỗ lực quốc tế trong việc tìm kiếm vắc-xin Covid-19 hiệu quả và an toàn, cũng như áp dụng phương pháp điều trị sớm trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này". Đồng thời ông kêu gọi cải tổ lại WTO, cho rằng đây là yếu tố quan trọng trong sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đồng thời đề nghị thiết lập các điều kiện công bằng trong thương mại quốc tế không chỉ đối với hàng hóa mà cả các loại hình dịch vụ, ngầm phê phán chính sách trợ cấp của các chính phủ làm lệch lạc thương mại quốc tế./.
Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo