
























Người VN ở nước ngoài
Người VN ở nước ngoài
Lao động Việt Nam chiếm lĩnh thị trường lao động Nhật Bản
Số liệu thống kê năm 2020 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia có lao động đông nhất ở Nhật Bản. Cụ thể, tổng số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật Bản (tính đến cuối tháng 10/2020) vẫn tăng cao kỷ lục lên 1.724.328 người bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19, tăng khoảng 65.000 người so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm thứ 8 liên tiếp số lao động nước ngoài ở Nhật Bản lập kỷ lục mới. Mặc dù vậy, MHLW cho biết dịch Covid-19 đã có tác động nhất định khi số lao động nước ngoài ở Nhật Bản năm 2020 chỉ tăng 4% so với mức tăng 13,6% trong năm 2019. Năm 2020, tổng số thực tập sinh kỹ năng nước ngoài ở Nhật Bản là 402.355 người, tăng 4,8% so với một năm trước đó.
Nhật Bản đang "mở cửa" ngành lưu trú khách sạn cho lao động Việt Nam. Nguồn: baochinhphu.vn
Đáng chú ý, theo nhật báo Asahi, Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia có đông lao động nhất ở Nhật Bản với 443.998 người, tiếp sau đó là Trung Quốc với 419.431 lao động và vị trí thứ 3 là Philippines với 184.750 lao động.
Hơn một trăm tổ chức quốc tế vừa lên tiếng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản và các công ty tham gia cung cấp tài chính xây dựng một nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam rút khỏi dự án mà họ cho là sẽ gây ra hại tới môi trường.
Trong một diễn biến khác, trong bức thỉnh nguyện thư gửi tới Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cùng các Bộ trưởng và Lãnh đạo của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở New York công bố ngày 25/1, 128 tổ chức từ 39 quốc gia kêu gọi Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) rút lại quyết định cung cấp tài chính cho dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng 2 ở Việt Nam, kêu gọi các công ty rút khỏi dự án này do lo ngại về sự xung đột với các hành động chống biến đổi khí hậu.
Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiến hành với dự án nhiệt điện than này ở Việt Nam, bất chấp những tranh cãi và áp lực của giới đầu tư, và sẽ cung cấp khoản tiền vay tổng cộng lên tới gần 1,8 tỷ USD dù cả hai nước đều đưa ra những cam kết đầy tham vọng sẽ đáp ứng mục tiêu không tạo thêm carbon ngay trên lãnh thổ của mình.
Nội dung thỉnh nguyện thư mà HRW đồng tham gia ký tên nêu rõ: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ quyết định của JBIC trong việc hỗ trợ dự án này mặc dù trên thực tế JBIC chưa tho thấy trách nhiệm giải trình đối với nhiều mối lo ngại đã được nêu lên, bao gồm sự xung đột của dự án đối với các biện pháp chống biến đổi khí hậu và sự thiếu sót trong đánh giá tác động môi trường". Cũng theo thỉnh nguyện thư, khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng trên toàn thế giới, việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện than mới gây ra rủi ro lớn hơn không chỉ cho người dân Việt Nam mà cho tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương ở phía nam bán cầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Tháng 10/2020, trong vòng một tháng, bốn cơn bão đã tấn công miền Trung Việt Nam, nơi dự kiến đặt địa điểm Vũng Áng 2, gây ra thiệt hại đáng kể. Cùng với đó Vũng Áng 2 đã trở thành mục tiêu của chỉ trích của quốc tế, khiến dự án này nảy sinh nhiều vấn đề.
Theo nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam, điện than là nguồn năng lượng giá rẻ nên được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển. Khoảng 5% nguồn vốn vay ODA năm 2018 của Chính phủ Nhật Bản (1.370,5 tỷ yên, tương đương khoảng 13,22 triệu USD) được dành cho các dự án điện than, trong đó các dự án tập trung tại khu vực Châu Á như Việt Nam và Bangladesh./.
Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo