
























Người VN ở nước ngoài
Người VN ở nước ngoài
Nghị định số 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hiệu lực từ ngày 20/5/2020. Theo nhận định của các cơ quan quản lý, Nghị định mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Nghị định quy định về khu vực và công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài; giấy phép, điều kiện và thủ tục cấp, đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập; điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Theo đó, Nghị định cũng quy định về doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức quy định tại Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
(Ảnh: sưu tầm)
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ đồng. Có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ (bộ máy) bao gồm: Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên; Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động về nước, tài chính; Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các phòng nghiệp vụ phải đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau: Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm; diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.
Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 01 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giới thiệu người lao động có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt các quy định của pháp luật để tham gia dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp tuyển lao động tại địa phương và quản lý người lao động của địa phương làm việc ở nước ngoài; giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp tại địa phương; tổ chức tiếp nhận đăng ký hợp đồng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân và của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.
Trong những năm qua, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình trở nên khá giả. Được biết, năm 2019, tỉnh Tiền Giang có 349 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 143 lao động so với cùng kỳ, đạt 233% so với chỉ tiêu thực hiện (chỉ tiêu thực hiện năm 2019 là 150 lao động) và 116% so với chỉ tiêu phấn đấu (chỉ tiêu phấn đấu năm 2019 là đưa 300 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài) (trong đó: Nhật Bản: 307 lao động, Đài Loan: 30 lao động, Malaysia: 01 lao động). Người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có thu nhập bình quân: đối với thị trường Nhật Bản khoảng 25 - 30 triệu đồng, thị trường Đài Loan 18 - 20 triệu, Malaysia: 10 triệu đồng.
(Ảnh: sưu tầm)
Tiền Giang là tỉnh có số lượng dân số khá cao trong khu vực ĐBSCL (khoảng 1,76 triệu người) và dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 70% dân số, do vậy áp lực việc làm là rất lớn. Tuy nhiên số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các năm qua còn khá khiêm tốn như tổng hợp nêu trên. Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định trên và thúc đẩy việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối tham mưu thực hiện công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất một số giải pháp để triển khai thực hiện Nghị định trên của Chính phủ trong thời gian tới như sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đơn vị cung ứng lao động, các tổ chức tín dụng trong việc phối hợp với các doanh nghiệp tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài thực hiện đúng các quy định của pháp luật; đảm bảo cho người lao động được trang bị đầy đủ về ngoại ngữ, tay nghề, các kỹ năng cần thiết trước khi xuất cảnh; hỗ trợ người lao động thực hiện các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; theo dõi tình hình người lao động đang làm việc ở nước ngoài để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi cần thiết và cập nhật thông tin người lao động sau khi về nước để hỗ trợ tìm việc làm, khởi nghiệp khi có nhu cầu; Củng cố, mở rộng các mối liên kết giữa đơn vị được giao làm đầu mối thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh với các doanh nghiệp có uy tín, có kinh nghiệm, có thế mạnh, có đơn hàng tốt ở các thị trường tiềm năng để giới thiệu lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; Mở rộng, nhân điển hình các mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc đào tạo dự nguồn tại các cơ sở đào tạo; Duy trì mối liên kết giữa đơn vị được giao làm đầu mối của tỉnh với các địa phương, gia đình và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động, tuyển chọn, tạo nguồn ở địa phương; trao đổi thông tin về tình hình lao động đang làm việc ở nước ngoài, lao động về nước; động viên, giáo dục người lao động tuân thủ pháp luật, tôn trọng các cam kết trong hợp đồng và phong tục tập quán của nước sở tại; thường xuyên nhắc nhở, giáo dục người lao động chi tiêu tiết kiệm và gửi tiền về xây dựng kinh tế gia đình.
- Tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng tác động tích cực của việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thực hiện các bản tin, phóng sự trên báo, đài, thông tin tuyên truyền bằng các hình thức tờ rơi, pa-nô,... về chương trình đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện phim tư liệu về đời sống và công việc của những người lao động làm việc tại nước ngoài, khơi dậy ý chí vượt khó, vươn lên, chăm chỉ lao động, tích lũy vốn và kinh nghiệm để lập nghiệp sau khi trở về nước; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc đào tạo của các trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
- Trên cơ sở chính sách chung của Trung ương và tham khảo chính sách hỗ trợ của một số tỉnh, thành trong khu vực để điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ của tỉnh. Cụ thể, nghiên cứu bố trí ngân sách mở rộng đối tượng và mức vay đi làm việc ở nước ngoài, ngoài đối tượng và mức vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội và quy định từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh đánh giá cao về lợi ích của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tạo việc làm ngoài nước là một kênh quan trọng của công tác giải quyết việc làm của tỉnh. Đối với bản thân người lao động và gia đình cũng đã thấy lợi ích nên quyết tâm đầu tư tài chính và thời gian để được đi lao động nước ngoài, góp phần thay đổi căn bản cuộc sống. Nhiều cá nhân sau quá trình lao động, học tập ở nước ngoài đã nâng cao tay nghề, kỹ năng; rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; tiếp cận được công nghệ tiên tiến. Do vậy, khi về nước, người lao động có điều kiện làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc khởi nghiệp thành công, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, còn là nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi quyết định đầu tư vào tỉnh đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Với những giải pháp và nhiệm vụ nêu trên, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tiền Giang kỳ vọng công tác quản lý và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc và sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động của tỉnh./.
Ngọc Dung tổng hợp