
























Người VN ở nước ngoài
Người VN ở nước ngoài
Nhìn lại công tác người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Tiền Giang sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, sự phát triển của đất nước không thể thiếu những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Theo số liệu tổng hợp của các cơ quan chức năng Việt Nam, tính đến nay có hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và cộng đồng NVNONN đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Thực tế khảo sát cho thấy, bà con ta ở nhiều nơi đã và đang hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, kinh tế ngày càng ổn định, vững mạnh, ngày càng có nhiều người Việt thành danh trên các lĩnh vực, có vị trí nhất định trong chính trường nước sở tại và quan trọng là bà con luôn có tấm lòng tha thiết hướng về quê hương đất nước, mong muốn được đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức cả ở trong và ngoài nước, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tham gia tích cực của bà con kiều bào. Thông qua đó, tạo sự kết nối giữa kiều bào ở các địa bàn với nhau và giữa kiều bào với trong nước. Những thành tựu về đối ngoại, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước đã khích lệ bà con phát huy tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, xu hướng trở về quê hương đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà ngày càng gia tăng. Và thực tế cho thấy có rất nhiều NVNONN đã về nước đầu tư, hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian qua.
(Ảnh: N.D)
Đối với Tiền Giang, theo số liệu tổng hợp của Sở Ngoại vụ, hiện có khoảng 18.019 người quê gốc Tiền Giang định cư ở nước ngoài thuộc thế hệ thứ nhất (nữ 10.995, nam 7.024); tập trung phần lớn ở các nước Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, New Zealand... Có 03 Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành lập ở thành phố Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây. Về kiều hối, số lượng ngoại tệ gửi về tỉnh qua các năm không ngừng gia tăng và đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh, cải thiện kinh tế hộ gia đình và của địa phương. So với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đứng đầu trong nhóm các địa phương có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất qua các năm.
Về tình hình đầu tư của kiều bào tại địa phương, hiện có 18 doanh nghiệp kiều bào có vốn đầu tư tại tỉnh, với tổng vốn đăng ký là 123,64 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực mua bán, kinh doanh khách sạn, du lịch, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu trong đầu tư của kiều bào trên địa bàn tỉnh với 11 doanh nghiệp và vốn đăng ký khoảng 93,3 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh các chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đã tư vấn cho trên 2.600 lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và đã có 900 lao động đi làm việc ở các nước, trong đó Nhật Bản là 766 lao động, Đài Loan - 83 lao động, Hàn Quốc - 35 lao động và thị trường khác - 16 lao động. Bên cạnh đó, để gắn kết bà con kiều bào với tỉnh, thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai nhiều hoạt động giao lưu, kết nối. Cụ thể một số hoạt động nổi bật như sau:
- Chương trình Xuân Quê hương tổ chức hàng năm tại Hà Nội.
- Trại hè Việt Nam tại Tiền Giang cho các đại biểu là thanh niên, sinh viên kiều bào đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới: Ai Cập, Algérie, Áo, Ba Lan, Belarus, Bỉ, Bulgary, Campuchia, Canada, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, Hungary, Lào, Litva, Malaysia, Nga, Pháp, Italia...
- Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương với chủ đề "Kiều bào chung sức xây dựng quê hương, hội nhập và phát triển" với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào.
- Ngoài ra, nhân các chuyến công tác ra nước ngoài, lãnh đạo tỉnh cũng tranh thủ gặp gỡ, tiếp xúc bà con kiều bào ở nước sở tại để tìm hiểu về tình hình đời sống của bà con. Đồng thời, giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi đầu tư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xúc tiến thương mại - du lịch,... để bà con kiều bào hiểu rõ hơn về con người, quê hương Tiền Giang.
(Ảnh: N.D)
Về các vấn đề pháp lý liên quan kiều bào, thời gian qua tỉnh đã giải quyết cho 17 trường hợp xin cấp Giấy xác nhận có quốc tịch, có gốc Việt Nam; 01 trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam; 02 trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam; 1.247 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; tiếp nhận giải quyết 3.753 trường hợp xin gia hạn chứng nhận tạm trú, 720 trường hợp đề nghị cấp thị thực và chứng nhận tạm trú... Ngoài ra, thông qua các hoạt động kết nối với bà con kiều bào ở nước ngoài như nêu trên, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh diễn ra hiệu quả, góp phần quảng bá các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; giúp các doanh nghiệp của tỉnh tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản... Tuy nhiên, chính sách thu hút đối với nhà khoa học, doanh nhân, trí thức kiều bào trên địa bàn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút, giữ chân các nhà khoa học, doanh nhân, trí thức kiều bào ở lại Tiền Giang làm việc lâu dài, gắn bó với sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của tỉnh.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với không ít thách thức mới, nhưng nhìn chung các xu hướng lớn vẫn là hợp tác và duy trì môi trường hoà bình, ổn định. Với vị thế của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tăng cường công tác về NVNONN. Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều kênh truyền thông quốc tế đưa tin khách quan về Việt Nam sẽ góp phần tác động tích cực đến cộng đồng NVNONN và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Để công tác về NVNONN phát huy hiệu quả trong thời gian tới, lãnh đạo các cấp chính quyền cần quan tâm và đa dạng hóa phương thức vận động NVNONN hướng về quê hương, đất nước, trong đó cần chú ý đến các việc sau:
- Tiến hành rà soát, ban hành mới các quy định thi đua - khen thưởng có liên quan đến NVNONN.
- Xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào về nước hợp tác, đầu tư, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật,...
- Thúc đẩy việc thành lập mới các hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài ở các huyện, thị còn lại trên địa bàn tỉnh; kết hợp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đã thành lập thời gian qua.
- Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nối về văn hóa - xã hội phục vụ kiều bào. Tổ chức các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn, giao lưu ở những nước có đông kiều bào định cư, lồng ghép với các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh.
- Tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, nhất là hệ thống pháp luật liên quan đến quốc tịch, cư trú, hôn nhân, quyền sở hữu nhà ở, đất ở, đầu tư,... nhằm khuyến khích, thu hút nguồn lực của NVNONN về địa phương hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, sinh sống ổn định, tiếp tục đóng góp hiệu quả cho gia đình và kinh tế của địa phương./.
Ngọc Dung tổng hợp