Truy cập nội dung luôn

Thỏa thuận quốc tế Thỏa thuận quốc tế

Thông tư hướng dẫn thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh kinh tế Á - Âu

Khởi động từ năm 2013, qua 02 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29/5/2015, tại Burabay (Kazakhstan), Thủ tướng Chính phủ các nước trong khối đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu; và các quốc gia thành viên bao gồm: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan, gọi tắt là Hiệp định FTA VN-EAEU.

Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm các chương về Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Phòng vệ thương mại; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS); Quy tắc xuất xứ; Thuận lợi hóa hải quan; Phòng vệ thương mại; Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Công nghệ điện tử trong thương mại; Cạnh tranh; Pháp lý và thể chế. Hiệp định này kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường rộng lớn với 182,7 triệu dân và GDP đạt khoảng 2.200 tỷ USD. Với việc gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế nhập khẩu, trong đó 59,3% được Liên minh xóa bỏ ngay khi Hiệp định VN - EAEU FTA có hiệu lực là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các qui định trong Hiệp định, đặc biệt là Chương Quy tắc xuất xứ, bao gồm các quy tắc xuất xứ chung cũng như quy tắc cụ thể của từng mặt hàng.

Để chuẩn bị cho việc Hiệp định FTA VN-EAEU chính thức có hiệu lực vào ngày 05/10/2016, cũng như hướng dẫn việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BCT ngày 20/9/2016 về quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Thông tư ban hành kèm theo 05 phụ lục để hướng dẫn thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa với một số điểm cần lưu ý như sau:

  1. Phụ lục 1: Quy tắc xuất xứ hàng hóa
  1. Điều khoản tạm ngừng ưu đãi

Bên nhập khẩu tạm ngừng ưu đãi thuế quan nếu phát hiện có gian lận xuất xứ hoặc nước xuất khẩu không hợp tác xác minh xuất xứ một cách có hệ thống. Bên nhập khẩu áp dụng ngừng ưu đãi theo từng bước:

- Đối với lô hàng vi phạm;

- Đối với hàng hoá của các doanh nghiệp có liên quan;

- Đối với toàn bộ hàng hoá giống nhau theo phân loại danh mục hàng hoá (HS cấp độ 8-10 số), nếu các biện pháp trước không đủ để ngăn chặn các hành vi gian lận.

Trước khi áp dụng điều khoản, hai bên phải thực hiện quy trình tham vấn chặt chẽ để khắc phục vấn đề. Thời gian áp dụng tạm ngừng ưu đãi là 04 tháng và được phép gia hạn 03 tháng.

Doanh nghiệp cần phân biệt Điều khoản Tạm dừng cho hưởng ưu đãi nêu trên và Điều khoản Từ chối cho hưởng ưu đãi. Điều khoản Từ chối cho hưởng ưu đãi chỉ áp dụng đối với lô hàng có nghi ngờ gian lận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu. Quy định này không áp dụng đối với hàng hóa liên quan hoặc doanh nghiệp liên quan. Lô hàng sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi sau khi có kết quả xác minh đạt xuất xứ theo Hiệp định FTA VN-EAEU.

  1. Điều khoản mua bán trực tiếp

Điều khoản này cho phép áp dụng hoá đơn nước thứ ba ngoài Hiệp định nhưng loại trừ một số quốc đảo phía Liên minh Kinh tế Á - Âu cho rằng có nguy cơ gian lận thương mại. Do chính sách thuế của các quốc đảo này (thuế nhập khẩu 0%), hàng hóa tăng khả năng gian lận thuế khi có sự tham gia phát hành hóa đơn của công ty trung gian đặt trụ sở tại các quốc đảo đó. Các cơ quan có thẩm quyền của hai bên đã đàm phán, xây dựng danh mục 30 quốc đảo không được áp dụng hóa đơn nước thứ ba khi hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu.

  1. Quy định về hợp tác hành chính

Hiệp định FTA VN-EAEU yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hai bên thông báo mẫu con dấu của tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định FTA VN-EAEU (C/O EAV). Đây là một bước tiến hơn hẳn so với nhiều FTA Việt Nam đã ký khi các FTA yêu cầu thông báo mẫu con dấu và mẫu chữ ký của cán bộ cấp C/O. Quy định mới trong Hiệp định FTA VN-EAEU tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa khi khác biệt về mẫu chữ ký không còn là nguyên nhân khiến C/O bị ngi ngờ tính xác thực.

  1. Quy định về mức linh hoạt (de minimis)

Hiệp định FTA VN-EAEU cho phép áp dụng nguyên tắc linh hoạt 15% tính theo giá FOB đối với đơn vị sản phẩm hoặc bộ sản phẩm. Ví dụ, một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm đơn lẻ vẫn được coi là có xuất xứ khi 15% trị giá tổng sản phẩm không đạt xuất xứ. Mức linh hoạt này là 15% tính theo giá xuất xưởng trong khuôn khổ GSP và 10% theo giá FOB tại các FTA Việt Nam đã tham gia.

đ)   Quy định về C/O EAV

C/O EAV không hạn chế số lượng mặt hàng khai báo khi cho phép sử dụng tờ khai báo đính kèm C/O. Các bên nỗ lực triển khai áp dụng Hệ thống Xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử (EOCVS) không muộn hơn 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Mục tiêu của EOCVS là việc xây dựng cơ sở dữ liệu mạng ghi lại thông tin của C/O EAV để kiểm tra tính xác thực.

  1. Quy định về công đoạn gia công đơn giản

Nhằm ngăn chặn gian lận thương mại, tránh tình trạng hàng hóa từ nước thứ ba chuyển tải qua một bên tham gia Hiệp định rồi tiếp tục xuất khẩu sang bên kia để được hưởng lợi thông qua Hiệp định FTA VN-EAEU, quy định về công đoạn gia công đơn giản được thiết kế chi tiết, phù hợp với quy trình sản xuất hàng hóa, đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ được hưởng ưu đãi thuế quan.

  1. Phụ lục 2: Quy tắc cụ thể mặt hàng

Khác với quy định về quy tắc chung và quy tắc riêng tại đa số FTA Việt Nam đã ký, Quy tắc cụ thể mặt hàng Hiệp định FTA VN-EAEU được tích hợp tại một Danh mục theo biểu thuế ở cấp độ HS 6 số. Tiêu chí xét xuất xứ đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy bao gồm (a) hàm lượng giá trị gia tăng VAC (Value Added Content), (b) chuyển đổi mã số hàng hóa CTC (Change in Tariff Classification) hoặc (c) công đoạn sản xuất cụ thể.

Các dòng hàng áp dụng tiêu chí VAC chủ yếu ở mức 40% trị giá FOB, tương đương RVC40% trong các FTA Việt Nam ký cùng ASEAN. Riêng một số mặt hàng cần bảo hộ như máy móc, ô tô, VAC áp dụng là 50-60%FOB. Các dòng hàng áp dụng tiêu chí công đoạn sản xuất cụ thể gồm máy móc, phương tiện, sắt thép, dệt may, …

  1. Phụ lục 3: Danh sách quốc đảo

Phụ lục nêu danh sách 30 quốc đảo không được áp dụng hóa đơn nước thứ ba khi hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu

  1. Phụ lục 4: Mẫu C/O và hướng dẫn kê khai C/O

Phụ lục giới thiệu mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và hướng dẫn khai báo mẫu.

  1. Phụ lục 5: Danh sách Tổ chức cấp C/O

Phụ lục nêu danh sách 21 tổ chức được cấp C/O trên toàn quốc. Trong đó có Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tiền Giang (đặt tại số 17 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 4, TP Mỹ Tho, Tiền Giang).

Để biết thêm chi tiết đề nghị tham khảo trên trang web của Sở Ngoại vụ Tiền Giang http://songoaivu.tiengiang.gov.vn, chuyên mục "Hợp tác quốc tế" để biết thêm các quy định chi tiết./.

(Tài liệu đính kèm)

                                                                                      (Hồng Gấm)


Tin liên quan
Một tuyến vận tải hàng hóa mới từ Việt Nam đến bờ đông Hoa Kỳ    23/03/2021
World Bank công bố dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2021    23/03/2021
Xuất khẩu thép của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 2/2021    19/03/2021
Độ mở nền kinh tế Việt tăng cao nhất trong nhóm các quốc gia có quy mô kinh tế trung bình    19/03/2021
Tiền Giang: “Vương quốc trái cây” cần hội nhập sâu hơn để không phải “giải cứu”    19/03/2021
Quá ngon với gạo đặc sản “VD20 Gò Công”!    19/03/2021
Việt Nam lọt vào top 10 thị trường mới nổi về chỉ số logistics    18/03/2021
Foxconn đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam năm 2021    12/03/2021
Fitch Solutions dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thập niên tới    12/03/2021
Trung Quốc mở thêm tuyến vận tải biển đến Việt Nam    11/03/2021

Liên kết Liên kết

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

  Đang truy cập : 45
  Hôm nay: 1
  Tổng lượt truy cập: 786362